Điểm báo quốc tế 20/6: Liên minh cầm quyền thất thế sau bầu cử Quốc hội, Tổng thống Pháp đối diện nhiệm kỳ khó khăn

Nhật Bản muốn tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima; Ông Gustavo Petro đắc cử Tổng thống Colombia; Mỹ có thể tránh lâm vào suy thoái; Hàn Quốc nâng mức giảm thuế nhiên liệu; Liên minh cầm quyền thất thế sau bầu cử Quốc hội Pháp ... là những tin tức quốc tế đáng chú ý ngày 20/6/2022.

NHẬT BẢN MUỐN TỔ CHỨC HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7 TẠI HIROSHIMA

Hãng tin Kyodo đưa tin, Nhật Bản đang xem xét tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vào nửa cuối tháng 5/2023 tại thành phố Hiroshima và dự kiến công bố kế hoạch này vào cuối tháng này.

Theo thông tin đăng tải, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hy vọng thể hiện quyết tâm hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân với các nhà lãnh đạo G7 trước lễ đài tưởng niệm các nạn nhân bom nguyên tử ở Hiroshima. Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, khu vực bầu cử của ông Kishida, được coi là một động thái mang tính biểu tượng trong việc thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân, mặc dù 3 trong số các quốc gia G7 - Mỹ, Anh và Pháp - sở hữu vũ khí hạt nhân.

ÔNG GUSTAVO PETRO ĐẮC CỬ TỔNG THỐNG COLOMBIA

Thượng nghị sĩ Gustavo Petro, 62 tuổi, cựu Thị trưởng thủ đô Bogota, Colombia - đại diện liên minh cánh tả Hiệp ước lịch sử, sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của quốc gia Nam Mỹ này, sau khi đánh bại ứng cử viên Rodolfo Hernandez trong vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống.

Hãng CNN đưa tin, ông Gustavo Petro đã đánh bại tỷ phú Rodolfo Hernandez - đại diện của Liên đoàn những người cầm quyền chống tham nhũng, theo tư tưởng hữu khuynh – với hơn 50% số phiếu bầu. Tổng thống Colombia sắp mãn nhiệm Ivan Duque đã gọi điện chúc mừng ông Petro và hai bên đã đồng ý gặp nhau trong những ngày tới để “bắt đầu một quá trình chuyển đổi hài hòa, thể chế và minh bạch.”.

MỸ CÓ THỂ TRÁNH LÂM VÀO SUY THOÁI

Mỹ có thể tránh lâm vào tình trạng suy thoái. Đây là nhận định của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, được đưa ra chỉ ít ngày sau khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng mạnh lãi suất cơ bản, làm dấy lên quan ngại nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái.

Trong một bài viết đăng tải trên báo The Guardian, Bộ trưởng Yellen dự báo tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới nhiều khả năng sẽ chậm lại, song theo bà, cuộc suy thoái này là hoàn toàn có thể tránh được. Bên cạnh đó, bà Yellen cũng nhận định rằng kinh tế Mỹ vẫn ghi nhận tín hiệu tích cực trên thị trường lao động trong khi chi tiêu tiêu dùng vẫn mạnh mẽ.

HÀN QUỐC NÂNG MỨC GIẢM THUẾ NHIÊN LIỆU

Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết, nước này lên kế hoạch tiếp tục giảm thuế nhiên liệu trong tháng 7. Đây là một phần trong nỗ lực của Seoul nhằm giảm bớt áp lực lạm phát do chi phí năng lượng tăng cao.

Báo Korea Herald đưa tin, Chính phủ Hàn Quốc sẽ nâng mức cắt giảm thuế đối với tiêu thụ nhiên liệu lên mức giới hạn hợp pháp là 37% từ mức 30% hiện nay. Biện pháp này sẽ có hiệu lực đến cuối năm nay. Quyết định mới nhất được đưa ra trong bối cảnh giá xăng tăng cao kỷ lục trong những tuần gần đây. Các nhà phân tích cho rằng, việc cắt giảm thuế sẽ có những tác động trong việc cải thiện tâm lý người tiêu dùng.

LIÊN MINH CẦM QUYỀN THẤT THẾ SAU BẦU CỬ QUỐC HỘI PHÁP

Theo kết quả vòng 2 bầu cử Quốc hội Pháp mới công bố, liên minh cầm quyền của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã không thể giành đa số ghế tuyệt đối tại cơ quan lập pháp. Đây là kết quả được dự báo sau vòng 1, khi liên minh cầm quyền không chiếm được ưu thế vượt trội. Báo chí thế giới đánh giá ông Macron sẽ gặp nhiều khó khăn để hoàn thành những cam kết của mình trong nhiệm kỳ này.  

Báo Politico có bài viết “Tổng thống Macron đối mặt với 5 năm bế tắc sau thất bại tại Quốc hội”. Theo đó, với việc không thể giành được 289 ghế cần thiết để chiếm đa số tại Quốc hội Pháp, Tổng thống Macron sẽ phải đối mặt với 5 năm nhiệm kỳ tiềm ẩn nhiều xáo trộn. Ông sẽ khó có thể thông qua bất kỳ luật nào, bao gồm cả kế hoạch cải cách hệ thống lương hưu. Bên cạnh đó, bài viết nhận định, kết quả của cuộc bầu cử quốc hội cũng xác nhận về một sự định hình lại nền chính trị Pháp.

“Một điều gì đó lạ thường đang xảy ra ở Pháp” là nhan đề của một bài viết được đăng trên báo The New York Times. Bài viết cho hay, trong cuộc bầu cử quốc hội Pháp năm nay, thách thức lớn nhất đối với chính quyền của Tổng thống Macron không đến từ cánh hữu, mà là cánh tả. Lần đầu tiên kể từ năm 1997, các đảng cánh tả lớn tại Pháp đã bỏ qua sự khác biệt, và thành lập “Liên minh Nhân dân Sinh thái và Xã hội mới” (NUPES). NUPES sẽ trở thành lực lượng đối lập chính trong Quốc Hội Pháp.

Tờ Bưu điện Washington có bài viết nhận định Cuộc bầu cử Quốc hội Pháp năm nay cũng giống như một “bài kiểm tra” quan trọng đối với Tổng thống Emmanuel Macron. Mặc dù Tổng thống Pháp nắm nhiều quyền lực hơn trong các chính sách đối ngoại so với những người đồng cấp khác ở nhiều nước châu Âu, nhưng ông Macron vẫn cần có đa số nghị viện nếu muốn thực hiện chương trình nghị sự của mình trong 5 năm tới.  Với việc không giành được đa số ghế trong quốc hội, thì một trong những lựa chọn duy nhất của Tổng thống Macron là liên minh với đảng Cộng hoà trung hữu, hoặc xây dựng các liên minh đặc biệt cho mỗi dự luật đề xuất. 

Đỗ Lê Ngọc Anh