Điểm báo quốc tế 24/04: Bầu cử Tổng thống Pháp - Tổng thống Macron duy trì cách biệt với bà Le Pen

Bầu cử Tổng thống Pháp - Tổng thống Macron duy trì cách biệt với bà Le Pen; Các quán ăn đường phố ở châu Á vật lộn với lạm phát; Tổng thống Zelensky: Các quan chức Mỹ thăm Ukraine trong hôm nay;... là những tin tức điểm báo quốc tế đáng chú ý.

BẦU CỬ TỔNG THỐNG PHÁP - TỔNG THỐNG MACRON DUY TRÌ CÁCH BIỆT VỚI BÀ LE PEN 

Tờ Washington Post có bài nhận định cơ hội chiến thắng của cả 2 ứng cử viên Tổng thống Pháp, trong đó nghiêng về khả năng tái đắc cử của Tổng thống Macron khi thông tin các cuộc thăm dò dư luận cuối cùng cho thấy đương kim Tổng thống Macron vẫn duy trì được cách biệt an toàn với bà Marine Le Pen – ứng cử viên của đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” với khoảng cách 10 điểm. Tuy nhiên bà Le Pen cũng không phải là không còn cơ hội chiến thắng, khi tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu có thể đóng một vai trò quan trọng trong cuộc bỏ phiếu lần này. Nếu tỷ lệ cử tri vắng mặt cao, ông Macron được cho là sẽ gặp bất lợi hơn bà Le Pen. Trước đó trong ngày 23/04, công dân Pháp sinh sống tại các vùng lãnh thổ hải ngoại hoặc ở nước ngoài đã đi bỏ phiếu sớm.

TỔNG THỐNG ZELENSKY: CÁC QUAN CHỨC MỸ THĂM UKRAINE TRONG HÔM NAY 

CNN dẫn phát biểu của Tổng thống Ukraine - Zelensky cho biết, hôm nay Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ tới thăm nước này. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của các quan chức cấp cao Mỹ tới Ukraine kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra. 

Thông tin về chuyến thăm được đưa ra trong bối cảnh những ngày gần đây một số nhà lãnh đạo châu Âu cũng đã tới thủ đô Kiev của Ukraine và bắt đầu các động thái mở cửa trở lại các đại sứ quán ở nước này, sau khi Nga định hướng lại trọng tâm của chiến dịch quân sự ra ngoài Kiev. Hiện Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về chuyến thăm này, tuy nhiên trước đó Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã nói rằng, nếu một quan chức chính quyền đến thăm Ukraine, Nhà Trắng sẽ không công khai thông tin trước thời hạn, với lý do lo ngại về an ninh.

CÁC QUÁN ĂN ĐƯỜNG PHỐ Ở CHÂU Á VẬT LỘN VỚI LẠM PHÁT 

Không riêng gì trên khắp thế giới, người dân nhiều nước ở Châu Á cũng đang phải vật lộn để theo kịp với chi phí sinh hoạt và ngân sách hộ gia đình đang bị căng thẳng, do giá nhà ở, xăng dầu, năng lượng và hàng tạp hóa tăng cao. Trong khi đó, các nhà hàng và quán ăn nhỏ trên khắp châu Á đang buộc phải đưa ra những quyết định khó khăn để chống lại tác động của lạm phát. Thông tin được đăng tải trên trang Japan Times.

Hiện tại, chi phí tăng cao vì sự gián đoạn chuỗi cung ứng, tác động từ chiến sự Nga - Ukraine và nhu cầu bị dồn nén bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 kéo dài hơn hai năm khiến mọi thứ đều tăng giá đến chóng mặt. Từ Trung Quốc, Nhật Bản đến Ấn Độ, Hàn Quốc, chi phí cao khiến những người chủ nhà hang phải đứng trước một sự lựa chọn khó khăn: giữ nguyên giá và chịu mất tiền, hoặc tăng chi phí thức ăn và mất khách hàng. Trong khi đó, áp lực về giá cả cũng đang làm thay đổi cách ăn uống của một số người châu Á. Nhiều người cho biết đang cân nhắc lại việc chi tiêu của mình, cố gắng hạn chế đi ăn ngoài và nấu nướng ở nhà nhiều hơn.

NETFLIX CHO PHÉP NGƯỜI DÙNG CHIA SẺ MẬT KHẨU 

CNBC đưa tin, dịch vụ truyền hình trực tuyến Netflix cho biết hãng đã đưa ra giải pháp cuối cùng giải quyết tình trạng chia sẻ mật khẩu tràn lan. Theo đó, Netflix đang thử nghiệm cách tính phí mới đối với những người đăng ký chia sẻ tài khoản với những người không sống cùng nhà.

Netflix cho biết, theo thống kê hiện có tới hơn 100 triệu hộ gia đình đang sử dụng mật khẩu dùng chung, trong đó có 30 triệu người ở Mỹ và Canada. Để giải quyết tình trạng này, thay vì đóng băng các tài khoản được chia sẻ, Netflix có thể sẽ ưu tiên thiết lập một khoản phí bổ sung cho những tài khoản được sử dụng bởi nhiều người bên ngoài gia đình.

Kế hoạch của Netflix để thu lại khoản doanh thu bị mất này sẽ bắt đầu bằng việc gửi cảnh báo đến các chủ tài khoản có mật khẩu đang được chia sẻ, và sau đó sẽ thu phí bổ sung. Hiện Netflix đã bắt đầu thử nghiệm tính năng này ở Peru, Costa Rica và Chile, với khoản phí chỉ từ 2-3 USD/tháng.

TƯƠNG LAI CỦA ĐIỆN TỪ KHÍ TỰ NHIÊN HOÁ LỎNG Ở VIỆT NAM 

Trong những năm gần đây, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã thu hút sự quan tâm đáng kể ở Việt Nam như một nguồn năng lượng mới tiềm năng, trước sự tăng trưởng nhanh chóng của nhu cầu về điện của đất nước. Theo Ngân hàng Thế giới, quy mô tiêu thụ điện của Việt Nam đứng thứ hai trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau Indonesia và thứ 23 trên thế giới. Trong bối cảnh đó, tương lai của điện từ khí tự nhiên hóa lỏng ở Việt Nam được nhiều tờ báo đề cập.

Tờ The Diplomat có bài phân tích với tiêu đề “Tương lai của điện từ khí tự nhiên hóa lỏng ở Việt Nam sau COP 26”, trong đó cho biết, tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26, Việt Nam cam kết đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 và loại bỏ dần điện than từ năm 2030 đến năm 2040. Tuy nhiên, khi Việt Nam chuyển đổi thành nước nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng, có nhiều câu hỏi khó được đặt ra. Một trong những thách thức là các cơ sở sản xuất điện khí tự nhiên hóa lỏng có quy mô lớn và phức tạp, đòi hỏi cơ sở hạ tầng vận tải đa phương thức như cơ sở hạ tầng đặc biệt trong bến cảng, hệ thống trung chuyển và lưu trữ khí tự nhiên hóa lỏng trên bờ, sau đó là hệ thống tái định hóa và đảm bảo vận chuyển đường ống. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ cần một cơ chế điều tiết để đảm bảo rằng giá điện phản ánh chi phí khí tự nhiên hóa lỏng đủ để mang lại doanh thu cho các nhà máy phát điện. Dù vậy theo các nhà phân tích, thực tế cho thấy rằng không thiếu các nhà đầu tư tiềm năng đang quan tâm đến lĩnh vực này ở Việt Nam.

Một bài báo khác chỉ ra rằng, nhu cầu về khí đốt tự nhiên mang lại cơ hội lớn cho khí tự nhiên hóa lỏng ở Việt Nam, không chỉ do nhu cầu năng lượng tăng trưởng mà còn do sản lượng khí đốt ở Việt Nam dự kiến sẽ bắt đầu giảm từ năm 2025 và hoạt động thăm dò ngoài khơi ở Biển Đông đang phải đối mặt với những thách thức. Với dự đoán nguồn cung khí tự nhiên từ các nguồn trong nước ngày càng giảm, Việt Nam sẽ trở thành nhà nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng. Khi Việt Nam chuyển đổi thành nước nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng các chính sách về giá nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng, các tiêu chuẩn kỹ thuật cho cơ sở hạ tầng khí tự nhiên hóa lỏng, và tự do hóa thị trường điện và khí, cùng những chính sách khác, sẽ là những cân nhắc quan trọng trong việc tạo ra một thị trường minh bạch và cạnh tranh. Điều đáng khích lệ là Chính phủ Việt Nam đã sẵn sàng thay đổi các quy định để tạo ra một khuôn khổ pháp lý ổn định nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này./. 

Thu Ngoan