Điểm báo quốc tế 24/09: Mỹ và Trung Quốc nỗ lực giải tỏa căng thẳng Đài Loan

Những nội dung đáng chú ý trên báo chí quốc tế ngày 24/09 gồm: Ukraine trục xuất đại sứ Iran; Hungary có kế hoạch trưng cầu dân ý về trừng phạt Nga; Iceland đập tan âm mưu khủng bố; Bỉ ngừng vận hành lò phản ứng hạt nhân đầu tiên; Mỹ và Trung Quốc nỗ lực giải tỏa căng thẳng Đài Loan

UKRAINE TRỤC XUẤT ĐẠI SỨ IRAN

Báo The Guardian đưa tin, Chính phủ Ukraine cuối ngày hôm 23/9 đã tuyên bố rút lại việc công nhận đại sứ Iran tại Kiev và sẽ "giảm đáng kể" số lượng các nhà ngoại giao Iran tại đại sứ quán.

Đây được coi là động thái đáp trả lại "hành động không thân thiện" của Tehran khi bán máy bay không người lái chiến đấu cho Nga. Tuyên bố của Ukraine được đưa ra sau khi nước này thông báo bắn rơi 4 máy bay không người lái do Iran sản xuất, nhận định Tehran đang gây tổn hại đến chủ quyền và các công dân của Ukraine. Ukraine và Mỹ cáo buộc Iran cung cấp các máy bay không người lái cho Nga, nhưng Iran luôn phủ nhận điều này.

HUNGARY CÓ KẾ HOẠCH TRƯNG CẦU DÂN Ý VỀ TRỪNG PHẠT NGA

Theo thông tin từ trang Euronews, đảng cầm quyền của Hungary muốn tổ chức thăm dò ý kiến ​​công dân nước này về việc liệu họ có ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên minh Châu Âu áp đặt đối với Nga do cuộc xung đột ở Ukraine hay không.

Bài viết dẫn lời ông Mate Kocsis, một trong những lãnh đạo của đảng cầm quyền cho biết đảng này có kế hoạch kêu gọi một “cuộc tham vấn quốc gia” về các biện pháp trừng phạt năng lượng đối với Nga được quyết định bởi “giới tinh hoa ở Brussels”. Theo ông Mate Kocsis, các biện pháp trừng phạt đang có tác động tiêu cực và phá hủy nền kinh tế Châu Âu. Công dân Hungary có thể tham gia cuộc khảo sát theo hình thức trực tuyến hoặc gửi ý kiến qua đường bưu điện.

ICELAND ĐẬP TAN ÂM MƯU KHỦNG BỐ

Cảnh sát Iceland vừa bắt giữ 4 nghi phạm với cáo buộc có kế hoạch tấn công khủng bố. Đây là một tình huống chưa từng có đối với quốc gia châu Âu này.

CNN dẫn lời Giám đốc Truyền thông Cảnh sát quốc gia Iceland cho biết, 4 người đàn ông Iceland bị bắt giữ đều ở độ tuổi 30, với nghi ngờ sản xuất và buôn bán vũ khí. Cảnh sát đã thu giữ hàng chục khẩu súng, bao gồm cả vũ khí bán tự động. Một vài khẩu súng trong số đó được sản xuất bằng phương pháp in 3D.

BỈ NGỪNG VẬN HÀNH LÒ PHẢN ỨNG HẠT NHÂN ĐẦU TIÊN

Trong bối cảnh Châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có, Bỉ vẫn quyết định ngừng hoạt động một lò phản ứng hạt nhân phục vụ sản xuất điện.

Theo hãng thông tấn Anadolu, lò phản ứng Doel 3, một trong 4 lò phản ứng của Nhà máy điện hạt nhân Doel đã được ngắt kết nối với lưới điện vào tối qua theo giờ địa phương, theo Luật loại bỏ hạt nhân của Bỉ. Lò phản ứng này có công suất 1.006 megawatt, được xây dựng vào năm 1978, hòa lưới điện vào năm 1982 và đã hoạt động trong vòng 40 năm qua. Đây là lần đầu tiên một lò phản ứng hạt nhân tại Bỉ ngừng hoạt động vĩnh viễn.

MỸ VÀ TRUNG QUỐC NỖ LỰC GIẢI TỎA CĂNG THẲNG ĐÀI LOAN

Hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (An tô ni Bờ linh cừn) đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Mỹ. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, hai bên đã trao đổi thẳng thắn trong vòng 90 phút, với điểm nhấn là vấn đề Đài Loan. Báo chí quốc tế đã tâp trung đưa tin về cuộc gặp quan trọng này.

Theo Reuters, Đài Loan là tâm điểm của cuộc hội đàm “thẳng thắn và trung thực” kéo dài 90 phút giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.

Bài viết dẫn thông tin từ một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, ông Antony Blinken đã khẳng định rõ ràng rằng, theo chính sách một Trung Quốc mà Mỹ đã áp dụng từ lâu, và hiện nay không thay đổi, việc duy trì hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan là cực kỳ quan trọng.

Trong khi đó, theo Bộ ngoại giao Trung Quốc, Mỹ đã gửi đi những tín hiệu “rất sai lầm và nguy hiểm” liên quan đến Đài Loan.

Căng thẳng giữa hai bên liên quan đến vấn đề Đài Loan đã leo thang sau chuyến thăm vào tháng 8 của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, tiếp theo đó là các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn của Trung Quốc và mới đây nhất là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ đưa quân đội đến bảo vệ Đài Loan nếu xảy ra một cuộc tấn công.

Nhà Trắng khẳng định chính sách của Mỹ về Đài Loan không thay đổi, tuy nhiên phía Trung Quốc cho rằng tuyên bố của ông Biden đã gửi đi tín hiệu sai lầm.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ vào tháng 7 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra cảnh báo về vấn đề Đài Loan, nói rằng “những người đùa với lửa sẽ bị bỏng.”

Cũng đề cập đến nỗ lực giải tỏa căng thẳng Mỹ - Trung, trang Channel News Asia cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng đã có cuộc gặp với Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry tại New York. 

Bài viết nhận định, các cuộc đàm phán tại New York dự kiến sẽ đặt nền móng cho cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, có thể sẽ diễn ra tại Bali vào tháng 11 tới, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, cả hai nhà lãnh đạo đều tìm cách giúp cho mối quan hệ Mỹ - Trung vận hành một cách hiệu quả, tránh xung đột và đối đầu.