Điểm báo quốc tế 26/9: Bão Noru đổ bộ Philippines

Những nội dung đáng chú ý trên mặt báo quốc tế trưa 26/9 gồm: Bão Noru đổ bộ Philippines; Mỹ cảnh báo Nga không dùng vũ khí hạt nhân; Italia sắp có nữ Thủ tướng đầu tiên; Tài xế tại Bắc Kinh đeo vòng theo dõi cảm xúc....

BÃO NORU ĐỔ BỘ PHILIPPINES

Tiếp tục chương trình với những thông tin điểm báo quốc tế đáng chú ý. Siêu bão Noru đã đổ bộ vào đảo chính Luzon của Philippines và thủ đô Manila. Ngày hôm nay, các cơ quan của chính phủ và các trường học tại hòn đảo này tạm nghỉ để phòng tránh bão.

Theo trang tin tức Channel News Asia, gần 8.400 người đã được sơ tán khỏi đường đi của bão Noru. Các chuyến bay đã bị hủy, các chuyến phà và xe buýt đều tạm dừng, trong khi mưa lớn và gió mạnh làm đổ nhiều cây cối và đường dây điện. Philippines là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, với trung bình 20 cơn bão đổ bộ mỗi năm.

MỸ CẢNH BÁO NGA KHÔNG DÙNG VŨ KHÍ HẠT NHÂN

Mỹ sẽ đáp trả dứt khoát và khiến Nga chịu những hậu quả "thảm khốc" nếu sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

Hãng tin Reuters trích dẫn phát biểu của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan (Giếch Su li vần) trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình NBC (en bi xi) cho biết: Nếu Nga vượt qua ranh giới, sẽ có những hậu quả thảm khốc đối với họ. Bình luận của ông Sullivan là cảnh báo mới nhất được Mỹ gửi đến Nga sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố lệnh động viên quân sự một phần trong tuần qua, đồng thời ám chỉ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu toàn vẹn lãnh thổ đất nước bị xâm phạm.

ITALIA SẮP CÓ NỮ THỦ TƯỚNG ĐẦU TIÊN

Italia nhiều khả năng sẽ có nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử, sau khi Liên minh cánh hữu do Đảng Anh em Italia của Bà Giorgia Meloni (Gio gia Mê lô ni) lãnh đạo đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử.

Theo báo The Guardian, liên minh cánh hữu giành được khoảng 41-45% phiếu ủng hộ, trong khi liên minh cánh tả chỉ giành được 25-29% và đã thừa nhận thất bại. Thủ tướng Ba Lan đã gửi lời chúc mừng tới bà Giorgia Meloni.

TÀI XẾ XE BUÝT TẠI BẮC KINH ĐEO VÒNG THEO DÕI CẢM XÚC

Tờ South China Morning Post đưa tin, các tài xế xe buýt đường dài tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đang được yêu cầu đeo vòng tay điện tử có chức năng giám sát cả trạng thái tinh thần lẫn thể chất của họ.

Đề xuất này được Tập đoàn Vận tải Công cộng Bắc Kinh đưa ra với mục tiêu đảm bảo an toàn cho cộng đồng, sau khi xảy ra vụ tai nạn xe buýt ở thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu, miền Nam Trung Quốc trong tuần qua, khiến 27 người thiệt mạng và 20 người bị thương, khi họ đang trên đường đến một trung tâm cách ly. Khoảng 1.800 vòng đeo tay đã được phát cho các tài xế xe buýt trên các tuyến đường liên tỉnh và đường cao tốc từ ngày 21/9 vừa qua.

CÁC THÀNH PHỐ TẠI ĐÔNG NAM Á ĐANG BỊ NHẤN CHÌM VỚI TỐC ĐỘ NHANH NHẤT THẾ GIỚI (TP.HCM ĐỨNG ĐẦU DANH SÁCH)

Nghiên cứu mới được công bố bởi Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore cho thấy, các thành phố ven biển tại khu vực Nam Á và Đông Nam Á đang có tốc độ chìm xuống nhanh hơn những nơi khác trên thế giới. Điều này có thể làm trầm trọng hơn tác động của tình trạng nước biển dâng, đe dọa tới cuộc sống của hàng chục triệu người. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam đứng đầu danh sách các thành phố dễ bị tổn thương nhất.

Báo The Manila Times dẫn kết quả nghiên cứu cho thấy, thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế, và cũng là đô thị đông đúc nhất Việt Nam, đang chứng kiến mức sụt lún trung bình 16,2 mm hàng năm. Con số này khiến thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu bảng trong cuộc khảo sát thông qua dữ liệu vệ tinh về mức độ sụt lún của 48 thành phố ven biển lớn trên thế giới. Đứng ở vị trí thứ hai là thành phố Chittagong tại Bangladesh. Một số thành phố khác như Ahmedabad tại Ấn Độ, Jakarta (Indonesia) và Yangon (Myanmar) cũng có mức sụt lún lên tới hơn 20 mm trong những năm cao điểm.

Đăng tải thông tin về nghiên cứu, báo The Strait Times cho biết, tại Thành phố Hồ Chí Minh, việc các công trình cao tầng thường tập trung ở những khu vực có nền móng yếu đã khiến nền đất sụt lún nhiều hơn. Bài viết dẫn phát biểu của bà Emma Hill, Giáo sư Khoa học Trái đất, Trường môi trường châu Á thuộc Đại học Công nghệ Nanyang cho biết, nghiên cứu mới này rất quan trọng vì nó cung cấp một bước tiến nhảy vọt về khả năng của các nhà khoa học trong việc kết hợp vấn đề sụt lún với các nghiên cứu về tình trạng nước biển dâng. Trước đây, vấn đề này được đánh giá là khó để đo lường và thường bị bỏ qua trong các nghiên cứu tương tự. Để giải quyết vấn đề sụt lún, các nhà nghiên cứu khuyến nghị các chính phủ xây dựng hệ thống bảo vệ ven biển như tường chắn, hoặc sử dụng các giải pháp tự nhiên như rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, đi vào nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, cần quan tâm đến việc khai thác các nguồn tài nguyên như nước ngầm, dầu và khí đốt, trong bối cảnh đây có thể là nguyên nhân chính gây ra sụt lún tại một số nơi. Các thành phố cũng cần tìm kiếm các nguồn nước khác để thay thế cho việc sử dụng nước ngầm, đồng thời cần có kế hoạch bổ sung nước ngầm để hạn chế tình trạng sụt lún diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn./.