Điểm báo quốc tế 30/6: 5 công dân Việt Nam tử vong vì rò rỉ khí độc ở Jordan

Công dân Việt Nam tử vong vì rò rỉ khí độc ở Jordan; Trung Quốc, Philippines thúc đẩy quan hệ song phương; Tuyên án nghi phạm vụ tấn công khủng bố ở Paris năm 2015; Thổ Nhĩ Kỳ hối thúc Thụy Điển và Phần Lan đáp ứng các yêu cầu; NATO coi Trung Quốc là thách thức hệ thống... là những tin nổi bật trên mặt báo trưa ngày 30/6.

CÔNG DÂN VIỆT NAM TỬ VONG VÌ RÒ RỈ KHÍ ĐỘC Ở JORDAN

Nhà chức trách Jordan cho biết, năm công dân Việt Nam nằm trong số những người thiệt mạng trong vụ rò rỉ khí độc ở cảng Aqaba của nước này. 

Theo The Straits Times, Bộ trưởng Ngoại giao Jordan Ayman Safadi đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Việt Nam Bùi Thanh Sơn và gửi lời chia buồn tới gia đình của 5 công dân Việt Nam đã thiệt mạng. Bộ trưởng Safadi cho biết 7 công dân Việt Nam khác bị thương trong vụ việc đang được điều trị tại bệnh viện. Hôm 27/6, một bình chứa clo rơi xuống bến tàu ở cảng Aqaba, giải phóng ra khí độc, khiến 13 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương. 

TRUNG QUỐC, PHILIPPINES THÚC ĐẨY QUAN HỆ SONG PHƯƠNG

Trung Quốc và Philippines đã nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương và tăng cường hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực.

Tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp giữa Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vào ngày hôm qua tại Manila. Theo hãng tin Tân Hoa Xã, Phó Chủ tịch Trung Quốc đã đánh giá cao quan hệ 2 nước, đồng thời cho biết thương mại song phương đã tăng gấp đôi và Trung Quốc cũng đã tăng gấp bốn lần đầu tư vào Philippines trong sáu năm qua. Cả hai bên đã tuân thủ đối thoại và tham vấn để quản lý hợp lý các tranh chấp trên biển nhằm đưa quan hệ Trung Quốc-Philippines đi đúng hướng.

TUYÊN ÁN NGHI PHẠM VỤ TẤN CÔNG KHỦNG BỐ Ở PARIS NĂM 2015

Một tòa án đặc biệt của Pháp đã tuyên án với 20 người là nghi phạm trong vụ khủng bố ở Paris vào ngày 13/11/2015, bao gồm cả thành viên duy nhất còn sống trong số những kẻ tấn công.

Tờ Le Monde cho biết nghi phạm chính Salah Abdeslam bị kết án tù chung thân không ân xá, bản án nghiêm khắc nhất ở Pháp. 18 bị cáo khác bị kết án liên quan đến khủng bố, và một bị cáo với tội danh nhẹ hơn. Vụ khủng bố nhằm vào nhà hát Bataclan, các quán cà phê ở Paris và sân vận động quốc gia của Pháp năm 2015 khiến 130 người thiệt mạng, là cuộc tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử thời bình của Pháp.

THỔ NHĨ KỲ HỐI THÚC THỤY ĐIỂN VÀ PHẦN LAN ĐÁP ỨNG CÁC YÊU CẦU

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gia hạn yêu cầu đối với Thụy Điển và Phần Lan về việc dẫn độ các cá nhân mà họ coi là khủng bố sau khi các nước đạt được thỏa thuận về tư cách thành viên NATO của các quốc gia Bắc Âu. 

Theo Reuters, trong văn bản ghi nhớ mà ba quốc gia ký, Phần Lan và Thụy Điển đã đồng ý giải quyết các yêu cầu trục xuất hoặc dẫn độ đang chờ xử lý của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các nghi phạm khủng bố một cách khẩn trương và triệt để, phù hợp với Công ước Châu Âu về Dẫn độ. Phần Lan cho biết đã xử lý 14/16 yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Còn Thụy Điển cho biết sẽ tiếp tục tuân thủ pháp luật địa phương và quốc tế trong việc dẫn độ và quá trình này sẽ phụ thuộc vào thông tin nhận được từ Thổ Nhĩ Kỳ.

NATO COI TRUNG QUỐC LÀ THÁCH THỨC HỆ THỐNG

Trong tài liệu chiến lược công bố hôm qua, NATO lần đầu tiên xác định Trung Quốc là “thách thức mang tính hệ thống đối với an ninh khu vực Châu Âu - Đại Tây Dương”. Đây là động thái cho thấy NATO hướng chú ý vào sự trỗi dậy của Trung Quốc. Do đó, NATO sẽ tăng cường đối thoại và hợp tác với các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Một bài viết trên The Strait Times cho hay, NATO đánh giá mối quan hệ chặt chẽ hơn của Bắc Kinh với Moscow đi ngược lại với giá trị và lợi ích của liên minh. Đồng thời cáo buộc Trung Quốc nhắm mục tiêu vào các thành viên khối này. Lần đầu tiên hội nghị thượng đỉnh của NATO có sự tham gia của các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, cũng là dấu hiệu cho thấy mối quan ngại ngày một tăng với Trung Quốc. 

Tờ Asia Nikkei cho hay, khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine diễn ra, sự quyết đoán của Trung Quốc được thể hiện mạnh mẽ. Tài liệu của NATO cho rằng những diễn biến trong khu vực có thể ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của Châu Âu-Đại Tây Dương và NATO sẽ tăng cường đối thoại và hợp tác với các đối tác Ấn Độ-Thái Bình Dương. 

SCMP cũng trích dẫn tuyên bố chung của NATO cho rằng Trung Quốc đang tìm cách “kiểm soát các lĩnh vực công nghệ và công nghiệp, cơ sở hạ tầng quan trọng, nguyên liệu chiến lược và chuỗi cung ứng. Nước này sử dụng đòn bẩy kinh tế của mình để tạo ra những phụ thuộc chiến lược ”.

Về phần mình, phía Trung Quốc ngay lập tức phản ứng và bác bỏ các cáo buộc của NATO.

Vân Hương