Điểm báo quốc tế 30/8: Ukraina mở chiến dịch phản công tại Kherson

Người biểu tình tấn công trụ sở chính phủ Iraq; Singpapore thu hút nhân tài; NASA hoãn phóng tên lửa thực hiện sứ mệnh mặt trăng; Kinh tế Nga trụ vững trước các lệnh trừng phạt ... là những nội dung đáng chú ý trong điểm báo quốc tế ngày 30/8.

UKRAINA MỞ CHIẾN DỊCH PHẢN CÔNG TẠI KHERSON

Quân đội Ukraina hôm qua đã triển khai chiến dịch phản công tại khu vực miền nam Kherson. Nguồn tin từ báo The Guardian cho biết, quân đội Ukraine đã pháo kích vào các phà bắt qua sông ở khu vực Kherson mà Nga sử dụng để tiếp tế. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội Ukraine đã cố gắng tiến công tại các khu vực Mykolaiv và Kherson nhưng chịu thiệt hại nặng nề. Các thông tin tại chiến trường hiện tại chưa thể được xác minh độc lập. 

NGƯỜI BIỂU TÌNH TẤN CÔNG TRỤ SỞ CHÍNH PHỦ IRAQ

Quân đội Iraq đã ban bố lệnh giới nghiêm ở thủ đô Baghdad sau khi người biểu tình đã tràn vào toà nhà chính phủ Iraq vào ngày hôm qua.  

Biểu tình leo thang sau khi giáo sỹ Hồi giáo dòng Si-ai, Moqtada Al-Sadr tuyên bố rời chính trường, nhằm phản đối tình trạng bế tắc chính trị. Ông Al-Sadr có hàng triệu tín đồ trung thành, và những người này đã tổ chức biểu tình quy mô lớn. Cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông, tuy nhiên đã có thương vong khi xảy ra đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình. 

SINGPAPORE THU HÚT NHÂN TÀI

Singapore đang cân nhắc ban hành một loại thị thực mới cho phép những lao động có thu nhập cao, hoặc thành tích cao được phép cư trú tại nước này mà không cần phải chứng minh công việc. 

Cụ thể, những người có trình độ cao từ bất kỳ lĩnh vực nào có mức lương hàng tháng từ 30.000 đô Singapore trở lên hoặc có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, nghệ thuật và văn hóa, nghiên cứu và học thuật hoặc thể thao thuộc diện đối tượng áp dụng với loại thị thực này. Sáng kiến về loại thị thực mới là một phần trong các kế hoạch nhằm đảm bảo rằng Singapore có thể cạnh tranh hiệu quả trong cuộc đua thu hút nhân tài.

NASA HOÃN PHÓNG TÊN LỬA THỰC HIỆN SỨ MỆNH MẶT TRĂNG

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA hôm qua đã phải hủy nhiệm vụ phóng tên lửa Artemis 1 vì sự cố vào phút chót.

Sự cố nảy sinh trong quá trình đếm ngược để chuẩn bị phóng, bao gồm các vấn đề về động cơ và rò rỉ nhiên liệu. Tên lửa Artemis 1 đã được đưa về trong tình trạng an toàn sau khi một trong những tên lửa đẩy của động cơ được xác định gặp vấn đề về nhiệt độ. Các kỹ sư đã cố gắng giải quyết nhưng cuối cùng nhiệt độ không thể hạ xuống. Ngày phóng tiếp theo dự kiến sẽ vào ngày 2 tháng 9 sau khi các động cơ đẩy được kiểm tra kỹ lưỡng.

KINH TẾ NGA TRỤ VỮNG TRƯỚC CÁC LỆNH TRỪNG PHẠT

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, phương tây và Mỹ đã tiến hành áp đặt nhiều lệnh trừng phạt lên nền kinh tế Nga. Mục đích là nhằm làm suy yếu Nga để nước này phải nhượng bộ. Tuy nhiên, đã 6 tháng trôi qua nhưng nền kinh tế Nga vẫn trụ vững. Báo chí thế giới đã đưa ra một số nhận định và phỏng đoán về tiềm lực của nền kinh tế Nga.

Trên tờ The Economist đã có bài phân tích với nhan đề: “Tại sao nền kinh tế Nga tiếp tục đánh bại kỳ vọng” trong đó đưa ra đánh giá về hiệu quả của các chính sách mà nước này thực hiện để chống đỡ các lệnh trừng phạt. Từ cú sốc ban đầu, như đồng rúp mất hơn 1/4 giá trị so với USD, thị trường chứng khoán suy yếu, hay dự báo GDP năm 2022 giảm 10%, tác giả bài viết đưa ra nhận định rằng nền kinh tế Nga đang hoạt động tốt hơn. Doanh số bán nhiên liệu đã thúc đẩy thặng dư tài khoản vãng lai kỷ lục. Các đánh giá của Goldman Sach cho thấy chỉ số tiêu dùng tại Nga đã giảm đáng kể vào tháng 3 và tháng 4 song trong những tháng tiếp theo, nó đã phục hồi trở lại. Lạm phát đang có dấu hiệu giảm dần. 

Cũng về nền kinh tế Nga, một bài phân tích trên tờ Financial Times cũng đưa ra nhận định các động thái của ngân hàng trung ương Nga nhằm kiểm soát vốn và tăng mạnh lãi suất đã giúp ổn định đồng rúp. Nhìn chung, giá dầu toàn cầu cao hơn cũng phần nào bù đắp cho các lệnh trừng phạt thông qua việc giao dịch dầu mỏ với Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đã cân bằng lại sự sụt giảm xuất khẩu sang Châu Âu.

Với việc người dân Châu Âu phải đối mặt với sự tăng giá khí đốt để sưởi ấm chưa từng có hiện nay, Mátxcơva có thể tính toán rằng nước này sẽ có vị thế tốt hơn để chống chọi với những thách thức kinh tế so với nhiều nước phương Tây.

Dù các lệnh trừng phạt có thể không dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế Nga. Tuy nhiên theo thời gian, chúng sẽ là một sợi dây cản trở nền kinh tế Nga.

Anh Tuấn