Điểm báo quốc tế: Mỹ phạt 16 công ty tài chính

EC đề xuất biện pháp mới trừng phạt Nga; Gói viện trợ vũ khí mới của Mỹ cho Ukraine; Mỹ phạt 16 công ty tài chính; Hàn Quốc đặt mục tiêu đứng đầu về sản xuất ô tô điện; Sự cố rò rỉ đường ống dòng chảy phương Bắc... là những tin tức quốc tế đáng chú ý trên các mặt báo ngày 29/9/2022.

EC ĐỀ XUẤT BIỆN PHÁP MỚI TRỪNG PHẠT NGA

Trang Politico đăng tải thông tin Ủy ban châu Âu đang đề xuất gói trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan tới cuộc xung đột Nga – Ukraine. Gói trừng phạt mới đưa ra trong bối cảnh Nga đang chuẩn bị sáp nhập 4 vùng ở Ukraine vừa tiến hành trưng cầu dân ý.

Gói trừng phạt mới bao gồm việc áp giá trần dầu mỏ, hạn chế thương mại hơn nữa với Nga như cấm nhập khẩu một số sản phẩm thép từ Nga, hạn chế xuất khẩu các chất bán dẫn, máy bay, các chất hóa học cụ thể, … nhằm làm suy yếu quân đội Nga. Một đề xuất khác cũng thu hút sự chú ý là cấm công dân thuộc EU làm việc trong ban điều hành các doanh nghiệp nhà nước của Nga.

GÓI VIỆN TRỢ VŨ KHÍ MỚI CỦA MỸ CHO UKRAINE

Mỹ đang chuẩn bị gói viện trợ mới gồm vũ khí và trang thiết bị trị giá 1,1 tỷ USD để củng cố cho các lực lượng Ukraine về trung hạn và dài hạn. Hãng Reuters đưa tin.

Đây sẽ là gói hỗ trợ quân sự mới nhất dành cho Ukraine, bao gồm hệ thống tên lửa HIMARS, các loại đạn dược đi kèm, nhiều loại hệ thống máy bay không người lái và hệ thống radar, cùng các vật dụng hỗ trợ kỹ thuật. Gói viện trợ mới cũng sẽ sử dụng nguồn vốn từ Quỹ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine do quốc hội trích lập nhằm cho phép chính quyền Tổng thống Joe Biden mua vũ khí từ các nhà sản xuất công nghiệp thay vì lấy từ kho của Mỹ để chuyển tới Ukraine.

MỸ PHẠT 16 CÔNG TY TÀI CHÍNH 

Các cơ quan chức năng Mỹ đã công bố quyết định phạt 16 công ty tài chính Phố Wall tổng cộng 1,8 tỷ USD, liên quan việc nhân viên các công ty này thảo luận về các giao dịch trên những thiết bị và ứng dụng cá nhân. Một số cái tên được nêu ra là Barclays, Bank of America, Citigroup, Goldman Sachs, Morgan Stanley và UBS.

Financial Times dẫn thông báo của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ cho hay: từ tháng 1/2018 đến tháng 9/2021, nhân viên của các công ty này đã thường xuyên trao đổi về những vấn đề kinh doanh thông qua các ứng dụng trên thiết bị cá nhân của họ như tin nhắn văn bản và WhatsApp. Cuộc điều tra đã phát hiện vi phạm ở nhân viên các cấp khác nhau. Các công ty liên quan đã hợp tác điều tra và đã cải thiện việc tuân thủ các chính sách và quy định ngân hàng.

HÀN QUỐC ĐẶT MỤC TIÊU ĐỨNG ĐẦU VỀ SẢN XUẤT Ô TÔ ĐIỆN

Hàn Quốc đặt mục tiêu trong vòng 8 năm tới sẽ tăng gấp 12 lần doanh số bán xe điện trên toàn cầu, đẩy thị phần của nước này từ 5% lên 12% vào năm 2030.

Báo Korea Times dẫn nguồn tin từ Bộ Công nghiệp Hàn Quốc cho biết, đây là một phần chiến lược tăng trưởng dài hạn, nhằm củng cố vị thế toàn cầu của các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc. Để đạt được mục tiêu, chính phủ cam kết cung cấp các ưu đãi thuế và nhiều biện pháp hỗ trợ khác nhau để thúc đẩy đầu tư cho các nhà sản xuất ô tô trị giá 95 nghìn tỷ Won (khoảng 66 tỷ USD). Theo kế hoạch, các nhà sản xuất dự kiến thúc đẩy sản xuất xe điện toàn cầu lên tổng cộng 3,3 triệu chiếc vào năm 2030.

SỰ CỐ RÒ RỈ ĐƯỜNG ỐNG DÒNG CHẢY PHƯƠNG BẮC

Liên quan tới sự cố rò rỉ của các đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 và 2, các nước liên quan vẫn đang tiến hành điều tra nguyên nhân và căn cứ xác định liệu đây có phải là một hành vi cố ý phá hoại hay không. Sau đây là một số bài viết phân tích của báo chí thế giới.

Tờ Financial Times đăng 1 bài viết dẫn nhận định của tổng thư ký NATO cho rằng, sự cố rò rỉ hai đường ống dẫn khí giữa Nga và châu Âu giống như một lời cảnh tỉnh đến lục địa già về việc bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng. Na Uy, một trong những nhà cung cấp khí đốt chủ chốt cho châu Âu, hiện đã tăng cường quân đội tới các cơ sở dầu và khí đốt.

“Sự cố rò rỉ của đường ống Dòng chảy phương Bắc có thể là thảm hoạ mới đối với khí hậu”. Đây là nhan đề một bài viết trên trang Bloomberg. Bài viết cho hay, ước tính khoảng 300.000 tấn khí metan, một trong những khí thải nhà kính mạnh nhất, đã bay vào bầu khí quyển. Lượng khí này, bằng với lượng khí phát thải từ khoảng 5,48 triệu xe ô tô của Mỹ, sẽ tác động tới khí hậu toàn cầu trong khoảng thời gian 20 năm. Theo bài báo, có một số yếu tố như lượng khí trong đường ống ở thời điểm đó là bao nhiêu, nhiệt độ và áp suất đang giữ ở mức nào, … khó có thể biết được chính xác.

Tờ Global Times đăng bài xã luận, kêu gọi sự tỉnh táo của các bên đối với sự cố này. Bài viết cho rằng, dù sự việc đang được điều tra, song nó đã giáng một đòn nặng nề vào quan hệ hợp tác năng lượng Nga - châu Âu. Sự cố với Dòng chảy phương Bắc một lần nữa cho thấy tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine không chỉ giới hạn ở chiến trường quân sự, mà đã lan sang năng lượng, kinh tế, lương thực, thậm chí trên phương diện dư luận. Vào lúc này, nếu Nga và các nước châu Âu có thể hợp tác điều tra, dù hạn chế, thì điều đó cũng giúp xoa dịu cuộc đối đầu và tránh khỏi vòng xoáy mâu thuẫn.