Điểm báo quốc tế ngày 03/4: Nga rút quân khỏi một số khu vực phía bắc Ukraine

Nga rút quân khỏi một số khu vực phía bắc Ukraine; Mỹ hủy kế hoạch thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman 3; Bầu cử tại Hong Kong (Trung Quốc) sẽ diễn ra theo kế hoạch; Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ thiếu lương thực; Lạm phát tại Châu Âu tăng kỷ lục trong tháng 3 ... là những tin tức quốc tế đáng chú ý trên các mặt báo ngày 03/4/2022.

Nga rút quân khỏi một số khu vực phía bắc Ukraine

Mở đầu phần điểm báo quốc tế hôm nay sẽ là thông tin cập nhật diễn biến xung đột Nga – Ukraine. Tổng thống Ukraine Zelensky xác nhận Nga đã rút quân tại một số khu vực ở phía bắc nước này. Đồng thời, truyền thông phương Tây cũng công bố ảnh vệ tinh cho thấy, quân đội Nga rút khỏi sân bay gần Kiev.

Theo bài đăng trên trang mạng tờ Straits Times, động thái rút quân của Nga cũng phù hợp với tuyên bố của Moscow sau cuộc đàm phán tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3 vừa qua. Theo đó, Nga đã giảm quy mô chiến dịch quân sự hướng Kiev và Chernigov và một số khu vực phía Bắc Ukraine. Theo Straits Times, kế hoạch 1 vòng đàm phán hòa bình mới vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, đại diện phía Ukraine cho biết, 2 bên đã đạt đủ tiến bộ để cho phép các đàm phán trực tiếp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Mỹ hủy kế hoạch thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman 3

Japan Times đưa tin, không quân Mỹ đã hủy đợt thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman 3. Tên lửa Minuteman 3 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân là một phần quan trọng trong kho vũ khí chiến lược của quân đội Mỹ. 

Trước đó, hôm 2/3, Lầu Năm Góc lần đầu tiên thông báo hoãn vụ thử vào  sau khi Nga cho biết họ đang đặt các lực lượng hạt nhân của mình trong tình trạng báo động cao. Theo người phát ngôn Lực lượng không quân Mỹ, quyết định hủy kế hoạch lần này của Lầu Năm Góc là vì những lý do tương tự như lần đầu tiên trì hoãn. Cuộc thử nghiệm Minuteman 3 tiếp theo dự kiến diễn ra vào cuối năm nay. Việc thay đổi lịch trình thử nghiệm Minuteman 3 có thể gây tranh cãi trong chính giới Mỹ, khi nhiều nhân vật trong Thượng viện cho rằng thử nghiệm này là rất quan trọng để đảm bảo khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ vẫn hiệu quả.

Bầu cử tại Hong Kong (Trung Quốc) sẽ diễn ra theo kế hoạch

Bầu cử tại đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch. Thông tin này được  Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố, đồng thời bác bỏ những đồn đoán của truyền thông rằng cuộc bầu cử có thể bị hoãn lần 2 do COVID-19. 

Theo South China Morning Post, một ủy ban bầu cử với 1.500 thành viên với sự hậu thuẫn của chính quyền trung ương Trung Quốc sẽ chọn ra Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, trong đó tất cả các ứng cử viên phải đảm bảo nhận được sự ủng hộ đầy đủ từ các thành viên này trong giai đoạn đề cử kéo dài đến hết ngày 16/4. Trước đó, cuộc bầu cử ban đầu dự kiến được tổ chức vào ngày 27/3 nhưng đã bị lùi lại đến ngày 8/5 để có thời gian cho chính quyền Hong Kong ứng phó với đợt bùng phát COVID-19 khiến hơn 1 triệu trong số 7,4 triệu cư dân thành phố bị nhiễm bệnh.

Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ thiếu lương thực

Vốn được xem như “vựa lúa” của thế giới, tuy nhiên, gần đây xuất hiện nhiều lo ngại về khả năng Đông Nam Á đánh mất danh hiệu nhà cung cấp lúa gạo lớn cho thế giới, trong bối cảnh các nước như Indonesia và Philippines đang vật lộn để sản xuất nhằm đáp ứng đủ nhu cầu lương thực trong nước. Thông tin trên trang mạng tờ Bangkok Post. 

Theo đó, nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature Food  cho thấy, xu hướng năng suất hiện tại của Indonesia và Philippines không đủ khả năng tự túc vè lúa gạo, đồng nghĩa với việc phải phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước.  Các chuyên gia cho rằng, hệ thống canh tác lúa gạo của Đông Nam Á đang đối mặt với nhiều thách thức, khi nhu cầu gạo ngày càng tăng, trong khi năng suất sụt giảm và khả năng mở rộng đất canh tác bị hạn chế.  Đông Nam Á cần “thu hẹp khoảng cách năng suất” nếu muốn duy trì vị thế là nhà cung cấp lúa gạo hàng đầu thế giới.

Lạm phát tại Châu Âu tăng kỷ lục trong tháng 3

Tháng 3 vừa qua, châu Âu ghi nhận mức lạm phát kỷ lục lên tới 7,5%, cao gấp 3 lần so với những dự đoán trước đó của Ngân hàng trung ương châu Âu. Nguyên nhân chính được cho là bởi những ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga – Ukraine trong hơn 1 tháng qua, đã đẩy giá nhiên liệu và lương thực tăng cao. Đây là vấn đề thu hút sự chú ý của truyền thông thế giới trong những ngày qua.  

Đề cập đến vấn đề này, tờ Politico đăng tải bài phân tích với tiêu đề : Lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng vọt lên mức kỷ lục 7,5% trong tháng 3”. Bài viết nhận định, lạm phát kỷ lục tại châu Âu ghi nhận hồi tháng 3 vừa qua tiếp tục tạo thêm áp lực cho Ngân hàng Trung ương Châu Âu, trong việc tìm ra cách thức ngăn chặn giá cả leo thang mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng chung.  Dữ liệu sơ bộ của Eurostat cho thấy giá cả tăng mạnh chủ yếu do giá năng lượng và thực phẩm tăng. Đầu tuần này, Phó Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Luis de Guindos cho biết lạm phát “sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới”, với mức đỉnh dự kiến là trong 3 hoặc 4 tháng trước khi bước vào giai đoạn chững lại. Các thị trường tài chính đang đưa ra dự báo, Ngân hàng trung ương châu Âu sẽ sớm phải điều chỉnh chính sách lãi suất để đối phó với kịch bản lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng giá năng lượng tăng chỉ là một hiện tượng tạm thời, không gây ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ. Do đó, việc can thiệp tiền tệ của Ngân hàng trung ương châu Âu là chưa cần thiết.

Bài viết với tiêu đề “Xung đột tại Ukraine làm tăng nguy cơ lạm pháp tại châu Âu” được tạp chí Forbes đăng tải. Theo đó, dù Liên minh châu Âu vốn là một thị trường rất ổn định, nhưng dường như cũng không có lối thoát khỏi ảnh hưởng của lạm phát. Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu ghi nhận mức lạm phát tới 7,6% trong tháng 2, tạo ra thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách. Bài viết trích dẫn báo cáo mới đây của công ty tư vấn Capital Economics cho rằng “Xung đột Nga – Ukraine, di chứng của đại dịch COVID-19 và mối đe dọa gián đoạn chuỗi cung ứng từ Trung Quốc có thể khiến áp lực lạm phát tăng lên rất cao”. Dự báo, tỷ lệ lạm phát sẽ duy trì ở mức cao trong năm nay, dường như ngày càng có nhiều khả năng cơ quan quản lý tiền tệ châu Âu sẽ nâng mức lãi suất, trong nỗ lực kiểm soát lạm phát ở mức hơn 2%. 

Thực hiện : Bùi Thảo