Điểm báo quốc tế ngày 07/10: Mỹ, Hàn Quốc tăng cường tập trận

Mỹ, Hàn Quốc tăng cường tập trận; Mỹ tin Nga có khả năng dùng vũ khí hạt nhân; Australia sẽ trồng cây trên mặt trăng năm 2025; Singapore thu hồi mì có chứa thành phần thuốc trừ sâu; Xả súng ở Thái Lan: cần giám sát các rủi ro tiềm ẩn... là những tin nổi bật trên báo chí quốc tế ngày 07/10/2022.

MỸ, HÀN QUỐC TĂNG CƯỜNG TẬP TRẬN

Mỹ và Hàn Quốc hôm nay bắt đầu một cuộc tập trận hải quân chung khác ở vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên, động thái nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng quân sự trước các vụ thử tên lửa của Triều Tiên.

Korea Herald đưa tin, cuộc tập trận kéo dài đến hết ngày mai, có sự tham gia của tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan, vừa quay trở lại khu vực sau vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên. Thông cáo chung của hai nước đề cập đến cam kết của Mỹ trong việc huy động toàn bộ khả năng quân sự của mình, bao gồm cả các lựa chọn hạt nhân, để bảo vệ đồng minh và an ninh trong khu vực.

MỸ TIN NGA CÓ KHẢ NĂNG SỬ DỤNG VŨ KHÍ HẠT NHÂN

Phát biểu tại một sự kiện ở Mỹ, lần đầu tiên Tổng thống Joe Biden đề cập đến khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột với Ukraine. Ông Biden cảnh báo thế giới đang đối mặt với mối đe dọa hạt nhân lớn nhất kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Tờ The Hill dẫn phát biểu của Tổng thống Joe Biden khi nhắc về Tổng thống Putin, rằng đó là một người mà ông biết khá rõ, một người “không nói đùa về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí sinh học, hóa học”. Đây là một trong những nhận định rõ ràng nhất của nhà lãnh đạo Mỹ về mối đe dọa từ phía Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.

AUSTRALIA SẼ TRỒNG CÂY TRÊN MẶT TRĂNG NĂM 2025

Một dự án đầy tham vọng vừa được các nhà khoa học Australia công bố. Đó là trồng cây trên Mặt trăng vào năm 2025. The Straits Times đưa tin, các nhà khoa học dự kiến sẽ lựa chọn những loại cây có khả năng chống chọi tốt nhất trước các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, trong đó có “cỏ thực vật”, một loại cây có thể sống mà không cần nước. Dự án được cho là bước đầu tiên con người hướng tới việc trồng cây để làm thực phẩm, thuốc và sản xuất oxy, những thứ rất quan trọng để thiết lập sự sống của con người trên Mặt trăng.

SINGAPORE THU HỒI MÌ CÓ CHỨA THÀNH PHẦN THUỐC TRỪ SÂU

Cơ quan Thực phẩm Singapore vừa yêu cầu thu hồi 2 sản phẩm mì ăn liền Mie Sedaap sau khi phát hiện ethylene oxide, thành phần thuốc trừ sâu, trong các sản phẩm này.

Cả sản phẩm bị ảnh hưởng đều có xuất xứ từ Indonesia. Hiện Singapore đang làm việc với các nhà nhập khẩu và cơ quan chức năng Indonesia để điều tra và khắc phục nguyên nhân vụ việc. Mặc dù không có nguy cơ gây ảnh hưởng ngay lập tức, sử dụng sản phẩm nhiễm ethylene oxide lâu dài có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe.

XẢ SÚNG Ở THÁI LAN: CẦN GIÁM SÁT CÁC RỦI RO TIỀM ẨN

Đất nước Thái Lan và cả thế giới hôm qua rúng động về vụ xả súng tại một nhà trẻ ở miền đông bắc Thái Lan. Đến hiện tại, đã xác định 37 người thiệt mạng, phần lớn là trẻ em. Vụ việc đã đặt ra hàng loạt những câu hỏi về việc kiểm soát súng đạn, vấn đề sức khỏe tâm thần, giám sát các rủi ro tiềm ẩn, không chỉ ở Thái Lan mà còn trên toàn thế giới.

Trang SBS có bài tổng hợp thông tin vụ thảm sát, trong đó cho biết đây là một trong những vụ việc liên quan đến trẻ em tồi tệ nhất thế giới, với chỉ 1 hung thủ duy nhất, trong nhiều năm trở lại đây. Hung thủ Panya Khamrab, 34 tuổi, một cựu cảnh sát, bị sa thải vì sử dụng ma túy, đang gặp vấn đề về tâm lý.

Thái Lan là một quốc gia có tỷ lệ sở hữu súng cao, tuy nhiên nhiều vụ xả súng gần đây lại diễn ra ở những người được phép sử dụng súng. Cách đây chưa đầy một tháng, một sĩ quan quân đội đã bắn chết hai đồng nghiệp tại một căn cứ huấn luyện quân sự ở thủ đô Bangkok. Hồi năm 2020, một người lính - tức giận vì một thỏa thuận tài sản - cũng xả súng khiến 29 người thiệt mạng, 57 người bị thương.

Một bài phân tích khác trên Bangkok Post nhận định, vụ việc xảy ra ngày hôm qua không chỉ là một tội ác, mà còn là một dấu hiệu cho thấy nguy cơ xả súng hàng loạt, vốn chỉ thấy trên các bản tin, đang hiện diện ở gần Thái Lan hơn bao giờ hết.

Tác giả bài viết so sánh vụ xả súng lần này với vụ việc hồi năm 2020. Ngoài bản chất máu lạnh, thủ phạm đều là những nhân viên an ninh, những người quen sử dụng súng. Cả hai cũng đều gặp vấn đề nghiêm trọng về tâm lý và tinh thần. Điều này đặt ra câu hỏi về việc cần phải làm thế nào để đối phó với các vấn đề sức khỏe tâm thần. Chính phủ cần tìm các biện pháp để giám sát các rủi ro tiềm ẩn, trong đó có việc cần thắt chặt lại chính sách sở hữu súng đạn, trang bị cho nhân viên an ninh những thông tin an toàn và sự bảo vệ cần thiết để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra trong tương lai.