Điểm báo quốc tế ngày 11/03: Hungary có nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử

Mỹ nghi ngờ Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa; Tổng thống đắc cử Hàn Quốc có thể sớm gặp Tổng thống Mỹ; Hungary có nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử; Nhật bản: Gia tăng các vụ bắt cóc trẻ em qua mạng xã hội; Ai hưởng lợi từ xung đột ở Ukraine? ... là những tin tức quốc tế mới ra trên các mặt báo ngày 11/03/2022.

Mỹ nghi ngờ Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

Báo chí thế giới sáng nay đưa tin về phản ứng của Mỹ đối với các vụ phóng tên lửa mang vệ tinh trinh sát mà Triều Tiên thực hiện gần đây. Washington nghi ngờ đó là vỏ bọc cho việc "kiểm tra một hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới".

Tờ Washington Post dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ gọi hành động này là một "sự leo thang nghiêm trọng". Theo quan chức này, vụ phóng vào hôm 26/2 và 4/3 là nhằm mục đích thử nghiệm, trước khi Triều Tiên tiến hành một vụ thử hoàn chỉnh hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới. Tuy nhiên, bài viết cũng cho hay:"Hệ thống mới này vẫn chưa cho thấy được khả năng và tầm bắn không bằng 3 vụ thử mà Triều Tiên thực hiện hồi năm 2017. Giới chuyên gia ước tính tên lửa phóng thử hôm 4/3 chỉ có tầm bắn khoảng 1000 km, kém xa tầm bắn của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. 

Tổng thống đắc cử Hàn Quốc có thể sớm gặp Tổng thống Mỹ

Tổng thống đắc cử của Hàn Quốc Yoon Suk-yeol có thể sớm gặp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ Joe Biden. Tin trên trang mạng tờ Korea Herald.

Theo đó, ông Joe Biden được cho là đang cân nhắc thực hiện chuyến thăm Nhật Bản vào cuối tháng 5 để dự hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ (Quad). Điều này sẽ tạo cơ hội cho ông có chặng dừng chân ở nước láng giềng Hàn Quốc. Nếu hai bên gặp gỡ trong tháng 5 tới thì đây sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh sớm nhất từng được tổ chức giữa một tân Tổng thống Hàn Quốc và người đồng cấp Mỹ. Trước đó, Nhà Trắng tuyên bố Tổng thống Biden mong muốn phối hợp chặt chẽ với Tổng thống đắc cử Yoon nhằm tăng cường hơn nữa liên minh Mỹ - Hàn.

Hungary có nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử

Hungary có nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử. Bà Katalin Novák, sẽ đảm nhiệm vị trí này trong 5 năm tới.  

Theo bài viết trên The Guardian, bà Novák từng là phó chủ tịch đảng Fidesz  và là cựu Bộ trưởng phụ trách chính sách về gia đình. Bài viết nhận định việc bà Novák làm tổng thống sẽ hỗ trợ cho chương trình nghị sự theo chủ nghĩa dân tộc của thủ tướng Viktor Orbán. Ở tuổi 44, bà cũng là nguyên thủ trẻ nhất trong lịch sử Hungary. 

Nhật bản: Gia tăng các vụ bắt cóc trẻ em qua mạng xã hội

Số lượng các vụ bắt cóc trẻ em thông qua mạng xã hội đang gia tăng ở Nhật Bản. Tờ Japan Times dẫn số liệu từ Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản cho biết năm ngoái có tới 86 vụ như vậy.

Số vụ nói trên tính cả các trường hợp trẻ em gái lên mạng tìm nơi ở nhờ khi bỏ nhà ra đi. Theo luật ở Nhật, dù được sự đồng ý của trẻ, người lớn cho ở nhờ cũng có thể bị truy tố tội bắt cóc. Bài viết liên hệ sự gia tăng các vụ trẻ em bị bắt cóc do đe doạ hoặc dụ dỗ với sự gia tăng các trường hợp bỏ nhà ra đi ở trẻ vị thành niên. Một trong các biện pháp đối phó với tình trạng này là cảnh sát đang đưa ra cảnh báo về các bài đăng không phù hợp trên mạng xã hội, chẳng hạn như những bài nhằm thu hút những người bỏ trốn. 

Ai hưởng lợi từ xung đột ở Ukraine?

Những tuần gần đây, tâm điểm của truyền thông quốc tế là về xung đột ở Ukraine. Chưa kể những thiệt hại về con người, cơ sở vật chất, những hệ luỵ từ cuộc xung đột này có thể cản trở kinh tế toàn cầu đang tìm cách khôi phục sau đại dịch. Nhưng ít được nhắc đến hơn là ngành công nghiệp quốc phòng trị giá gần nửa nghìn tỷ USD, cung cấp vũ khí cho cả hai bên và kết quả là thu được lợi nhuận đáng kể. 
The Times of India đăng tải bài viết có tựa đề “Ai chiến thắng trong một cuộc chiến? Luôn là các tổ hợp quân sự-công nghiệp”. Tác giả bài viết cho hay, vào thời điểm doanh số bán vũ khí toàn cầu ế ẩm, các tổ hợp công nghiệp – quân sự đang lo lắng do việc cắt giảm chi phí, mất việc làm và tác động vì Covid 19 thì xung đột Nga - Ukraine diễn ra. Họ như "mở cờ trong bụng" trước việc Mỹ và các nước đồng minh "đưa ra nhiều thông báo" về viện trợ quân sự cho Ukraine. Phần lớn viện trợ quân sự này sẽ được sử dụng để tài trợ cho việc mua vũ khí từ các tổ hợp quân sự-công nghiệp ở các nước này. Khi chiến sự chấm dứt, các doanh nghiệp này sẽ lại đi đầu trong việc tái xây dựng năng lực quân sự của Ukraine, giành lấy các hợp đồng quân sự béo bở. Họ cũng có thể dựa vào tâm lý lo ngại của các quốc gia châu Âu khác và phát triển công việc kinh doanh. Ví dụ, Đức vừa công bố, ngân sách quốc phòng của nước này tăng hơn 2% cùng với một chương trình tái vũ trang khổng lồ. Các nước NATO khác có thể sớm theo sau động thái này. Điều này có nghĩa là sẽ có nhiều hoạt động kinh doanh hơn cho các tổ hợp quân sự-công nghiệp.

Còn theo bài viết “Những gã khổng lồ quốc phòng lặng lẽ kiếm hàng tỷ USD trong cuộc chiến Ukraine” trên Asia Times, cổ phiếu của cả hai tập đoàn Hoa Kỳ, Lockheed và Raytheon, lần lượt tăng khoảng 16% và 3% kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, so với mức giảm 1% của S&P 500. Cổ phiếu của BAE Systems, tập đoàn sản xuất vũ khí lớn nhất ở Anh và Châu Âu cũng tăng 26%. 

Bài viết nhận định: việc Mỹ trừng phạt ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, dù mục đích để giảm leo thang căng thẳng, nhưng lại tạo ra cơ hội cho các nhà thầu phương Tây. Các công ty Mỹ và châu Âu đạt được lợi thế cạnh tranh hơn nữa, dẫn đến việc mở rộng cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu và động lực để tạo ra các cuộc xung đột mới.

Vân Hương