Điểm báo quốc tế ngày 12/5: Lạm phát Mỹ vẫn ở mức cao nhất trong 40 năm

Chưa thể đạt thoả thuận hoà bình Nga – Ukraine trong tương lai gần; Hàn Quốc hỗ trợ tiểu thương bị ảnh hưởng bởi Covid-19; Lạm phát Mỹ vẫn ở mức cao nhất trong 40 năm; 91% rạn san hô Great Barrier bị sóng nhiệt tẩy trắng; Liệu xét nghiệm đại trà Covid-19 còn hiệu quả? ... là những tin tức quốc tế đáng chú ý trên các báo ngày 12/5/2022.

CHƯA THỂ ĐẠT THOẢ THUẬN HOÀ BÌNH NGA – UKRAINE TRONG TƯƠNG LAI GẦN

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres vừa lên tiếng cho rằng, hiện không có khả năng đạt được một thoả thuận hoà bình giữa Nga và Ukraine trong trương lai gần.

Tờ TASS dẫn lời Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đưa ra sau cuộc gặp với Tổng thống Áo cho biết, ông thấy các bên khó đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diện ở Ukraine vào lúc này. Vì vậy hiện nay, các nỗ lực ngoại giao của các bên nên tập trung vào việc cung cấp viện trợ nhân đạo và di tản dân thường khỏi các khu vực giao tranh. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng cho rằng, thế giới hiện nay cũng cần phải nhanh chóng "tìm ra cách" để đưa sản xuất lương thực của Ukraine và Nga trở lại thị trường toàn cầu.

HÀN QUỐC HỖ TRỢ TIỂU THƯƠNG BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI COVID-19

Chính quyền mới của tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vừa thông báo sẽ hỗ trợ thêm 6 triệu won (khoảng 4.700 USD) cho tất cả giới tiểu thương, hộ kinh doanh và doanh nghiệp vừa chịu thiệt hại do các quy định phòng dịch Covid-19 của Nhà nước trong thời gian qua. Thông tin trên tờ The Korea Herald.

Tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, người vừa chính thức nhậm chức, đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc cung cấp ngân sách bổ sung cho gói hỗ trợ càng sớm càng tốt khi chủ trì cuộc họp đầu tiên của Quốc hội. Đây được xem là một phần trong chính sách đầu tiên của chính phủ mới, nhằm hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng tài chính do bị hạn chế kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Dự thảo ngân sách bổ sung này dự kiến sẽ được thảo luận trong phiên họp Nội các Hàn Quốc ngày hôm nay và sẽ được trình lên Quốc hội vào ngày mai.

LẠM PHÁT MỸ VẪN Ở MỨC CAO NHẤT TRONG 40 NĂM

CNBC đưa tin, số liệu vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4, thước đo giá cả hàng hóa và dịch vụ, đã tăng 8,3% so với một năm trước. Dù giảm nhẹ so với mức đỉnh hồi tháng 3 là 8,5%, lạm phát Mỹ vẫn gần với mức cao nhất kể từ mùa hè năm 1982.

Theo CNBC, lạm phát là mối đe dọa lớn nhất với sự phục hồi của kinh tế Mỹ hiện nay, sau bước nhảy vọt năm 2021. Vấn đề càng nghiêm trọng hơn khi lạm phát đã lan rộng sang nhà ở, ôtô và một loạt lĩnh vực khác.

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phản ứng với việc này bằng 2 lần tăng lãi suất trong năm nay và cam kết tiếp tục tăng đến khi lạm phát xuống 2%. Tuy nhiên, dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới công bố cho thấy Cục dự trữ Liên bang Mỹ sẽ vẫn còn nhiều việc phải làm để thực hiện được mục tiêu này.

91% RẠN SAN HÔ GREAT BARRIER BỊ SÓNG NHIỆT TẨY TRẮNG

Trang CNN vừa dẫn khảo sát của Cơ quan Quản lý Công viên Biển Great Barrier Reef cho biết, nắng nóng do biến đổi khí hậu khiến hệ thống san hô lớn nhất thế giới bị tổn thương nghiêm trọng trong sự kiện tẩy trắng mới nhất.

Cơ quan Quản lý Công viên Biển Great Barrier Reef đã tiến hành các cuộc khảo sát sâu rộng về rạn san hô Great Barrier thời gian qua phát hiện ra cả ba khu vực chính của hệ thống san hô lớn nhất thế giới này đều trải qua hiện tượng tẩy trắng, với mật độ lên tới 91% ở các khu vực san hô được khảo sát. Đây là sự kiện "tẩy trắng hàng loạt" lần thứ 4 kể từ năm 2016 đối với hệ thống san hô Great Barrier và là lần đầu tiên được ghi nhận trong chu kỳ thời tiết La Nina, khi nhiệt độ thường sẽ mát hơn. Các nhà khoa học cho biết thời gian không còn nhiều để các rạn san hô có thể phục hồi và các chính phủ cần phải khẩn trương giải quyết nguyên nhân gốc rễ: đó chính là khủng hoảng khí hậu.

LIỆU XÉT NGHIỆM ĐẠI TRÀ COVID-19 CÒN HIỆU QUẢ?

Trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực “sống chung với Covid-19” và tình hình dịch bệnh cũng đã giảm nhẹ thời gian gần đây, các quan chức y tế ở một số quốc gia đang đặt câu hỏi về giá trị của việc xét nghiệm Covid-19 hàng loạt, nhất là về vấn đề chi phí và hiệu quả.

Bài phân tích trên Reuters chỉ ra rằng, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, Tổ chức Y tế thế giới đã kêu gọi các quốc gia cần phải xét nghiệm trên diện rộng tất cả các trường hợp nghi ngờ. Việc này thực tế đã giúp các nhà khoa học hiểu được nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong, cũng như nguy cơ lây truyền của virus. Tuy nhiên, hiện nay, với biến thể Omicron ít nghiêm trọng, bao phủ vaccine và các phương pháp điều trị bệnh hiệu quả hơn, các chính phủ nên xem xét các chính sách chiến lược hơn là việc tiếp tục thực hiện xét nghiệm đại trà tốn kém. 

Bài báo dẫn chứng rằng Nhật Bản đã dừng tổ chức nghiệm Covid-19 trên quy mô lớn nhưng nước này vẫn chống chọi với đại dịch tương đối tốt, dựa trên tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong. Các quốc gia khác, bao gồm cả Anh và Tây Ban Nha, cũng đã thu nhỏ quy mô các cuộc xét nghiệm. Tuy nhiên, việc xét nghiệm đại trà vẫn được coi là trọng tâm của chiến dịch “Zero Covid” của Trung Quốc.

Nói về vấn đề chi phí, tờ South China Morning Post có bài phân tích, việc ngày càng nhiều thành phố thường xuyên xét nghiệm đại trà Covid-19 có thể khiến Trung Quốc tiêu tốn 1,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2021, tương ứng khoảng 215 tỉ USD. Chi phí này sẽ gây thêm áp lực lên chính quyền các địa phương và các cơ quan quản lý các thành phố vốn đang chịu nhiều sức ép vì các biện pháp thúc đẩy kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh. Trong khi các chuyên gia câu hỏi đặt ra là việc xét nghiệm diện rộng cả những người không có triệu chứng có gây tốn kém, thì các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, dù chưa phải giải pháp tốt nhất nhưng xét nghiệm thường xuyên vẫn là giải pháp ít tốn kém hơn phong tỏa.

Hồng Nhung