Điểm báo quốc tế ngày 17/03/2022: Nga ra mắt ứng dụng thay thế Instagram

Động đất độ lớn 7,3 tại Nhật Bản; Covid-19 đẩy 4,7 triệu người Đông Nam Á vào cảnh nghèo; Trung Quốc siết chặt quảng bá sản phẩm tài chính; Nga ra mắt ứng dụng thay thế Instagram;... là những tin tức đáng chú ý trên thế giới ngày 17/03/2022.

ĐỘNG ĐẤT ĐỘ LỚN 7,3 TẠI NHẬT BẢN
Đêm qua, một trận động đất có độ lớn 7,3 đã xảy ra ở khu vực Đông Bắc Nhật Bản. Thông tin về thiệt hại ban đầu, trang mạng tờ The Japan Times cho biết ít nhất 2 người đã thiệt mạng và 94 người khác bị thương. Trận động đất khiến nhà chức trách Nhật Bản phải đưa ra cảnh báo sóng thần. Khoảng 2,2 triệu hộ gia đình, trong đó có khoảng 700.000 hộ ở Tokyo lâm vào tình trạng mất điện. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cảnh báo có thể sẽ có những đợt dư chấn khác trong vòng 1 tuần tới tại khu vực này. Hiện các nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima và Miyagi chưa ghi nhận thiệt hại nào.

COVID-19 ĐẨY 4,7 TRIỆU NGƯỜI ĐÔNG NAM Á VÀO CẢNH NGHÈO 
Đại dịch Covid-19 đẩy 4,7 triệu người ở Đông Nam Á vào cảnh nghèo cùng cực trong năm 2021. Nội dung một bài viết trên tờ Bangkok Post cho thấy những tác động nghiêm trọng của đại dịch covid-19 đối với nền kinh tế khu vực. Bangkok Post dẫn báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, đại dịch đã khiến 9,3 triệu việc làm ở Đông Nam Á biến mất, làm đảo ngược những kết quả đạt được trong cuộc chiến chống đói nghèo. Bài viết dẫn lời Chủ tịch ADB, ông Masatsugu Asakawa cho rằng “Đại dịch đã dẫn đến tình trạng thất nghiệp lan rộng, bất bình đẳng ngày càng trầm trọng và tỷ lệ nghèo gia tăng, đặc biệt là ở phụ nữ, lao động trẻ và người cao tuổi ở Đông Nam Á”. ADB dự báo tăng trưởng năm 2021 của Đông Nam Á là 3%.

QUỐC SIẾT CHẶT QUẢNG BÁ SẢN PHẨM TÀI CHÍNH
Tờ South China Moring Post sáng nay đưa tin, Cơ quan quản lý Trung Quốc sẽ siết chặt các quy định về tiếp thị sản phẩm tài chính, đặc biệt là việc sử dụng người nổi tiếng để quảng cáo các khoản vay hoặc đầu tư. Đây là động thái nhằm bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư và khách hàng của các công ty tài chính. Quy định mới cấm các công ty không đủ năng lực chào bán các sản phẩm tài chính. Các công ty này cũng không được thuê người nổi tiếng không có chuyên môn về tài chính chèo kèo khách hàng và tiếp thị các sản phẩm. Theo cơ quan quản lý, các chương trình quảng cáo có sự tham gia của người nổi tiếng, có thể khiến khách hàng tiếp nhận các thông tin sai lệch. Từ đó đầu tư vào các sản phẩm rủi ro hoặc vay vượt quá khả năng trả nợ. Ngoài ra, cũng sẽ có những hình phạt nghiêm khắc hơn đối với các hành vi sai trái trong việc tiếp thị các sản phẩm tài chính.

NGA RA MẮT ỨNG DỤNG THAY THẾ INSTAGRAM
Nga sắp tung ra một ứng dụng chia sẻ hình ảnh mới, thay thế cho ứng dụng Instagram bị cấm tại nước này. Theo thông tin trên tờ Straits Times, ứng dụng mới có tên gọi là Rossgram, sẽ đi vào hoạt động từ ngày 28/3, với nhiều tính năng bổ sung. Bài viết dẫn lời đại diện của Rossgram, cho biết, họ đã sẵn sàng cho sự kiện này và sẽ không bỏ lỡ cơ hội để tạo ra một mạng xã hội phổ biến, được người Nga yêu thích.
Vài tháng gần đây, Nga bắt đầu phát triển công nghệ trong nước, bao gồm điện thoại thông minh AYYA T1 do tập đoàn quốc doanh Rostec sản xuất. Vào tháng 11/2021, công ty Gazprom Media đã ra mắt Yappy, ứng dụng cạnh tranh với TikTok./.

MÔ HÌNH UKRAINE TRUNG LẬP, GIẢI PHÁP CHO HÒA BÌNH

Bài viết với tiêu đề “Ukraine: Trung lập nghĩa là gì, và nó có thể dẫn đến hòa bình hay không?” trên trang mạng Al Jazeera dẫn đánh giá cho rằng việc Ukraine trung lập và không gia nhập NATO có thể có lợi cho an ninh khu vực. Bài viết lý giải trung lập có nghĩa là giao ước của 1 quốc gia, qua tuyên bố đơn phương hoặc dưới sự ép buộc, không can thiệp vào xung đột quân sự của nước khác. Một số dẫn chứng về quốc gia trung lập như Thụy Sĩ, Ireland, Thụy Điển, Phần Lan và Áo. Theo giới phân tích, một Ukraine trung lập "có thể là chìa khóa để giải quyết cuộc xung đột hiện nay một cách hòa bình và chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Tuy nhiên, việc giải quyết xung đột vẫn phải dựa trên sự nhượng bộ đáng kể của cả hai bên.

Trong một bài viết trên trang mạng Politico tác giả Richard Wilcox, một nhà ngoại giao kỳ cựu, đánh giá đàm phán về sự trung lập là “Một đường lối ngoại giao mới cho Nga. Dẫn ví dụ của Áo, theo đó, trong một thoả thuận vào năm 1955, Liên Xô công nhận chủ quyền của Áo và Áo cam kết trung lập quân sự vĩnh viễn. Nước này sẽ không gia nhập NATO và không cho phép đặt các căn cứ quân sự nước ngoài trên đất Áo, nhưng được tự do hoạch định đường lối kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, vị thế của Ukraine hiện giờ không giống với Áo, bởi Ukraine đang trong xung đột. Do đó, tác giả đề xuất mô hình về “sự trung lập được đảm bảo”. Bài viết có đoạn: Một Ukraine trung lập, được đảm bảo bởi Mỹ, châu  u và có thể cả Trung Quốc, và được Nga chấp thuận qua 1 hiệp ước, trong đó mở con đường để Ukraine trở thành thành viên của EU, có thể là cốt lõi của 1 cuộc dàn xếp về ngoại giao"./.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam