Điểm báo quốc tế ngày 19/6: Tổng Thống Putin tuyên bố “kỷ nguyên của thế giới đơn cực” đã chấm dứt

Trung Quốc nhấn mạnh cam kết hợp tác với Nga; Giá Bitcoin xuống thấp nhất trong 18 tháng; Nhân viên công sở Hàn Quốc thay đổi thói quen sinh hoạt; Kiểm soát hành vi trốn thuế ngành Livestream Trung Quốc... là những tin tức quốc tế đáng chú ý ngày 19/6/2022.

 Tổng Thống Putin tiếp tục lên án Mỹ và phương tây

Trong bài phát biểu mới nhất tại Diễn đàn kinh tế quốc tế Xanh Pê-téc-bua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Mỹ và các nước châu Âu, đồng thời tuyên bố “kỷ nguyên của thế giới đơn cực” đã chấm dứt.

CNN dẫn phát biểu của Tổng thống Nga Putin khẳng định, Mỹ chỉ biết đến lợi ích mà không màng tới trách nhiệm, nhưng đó là con đường một chiều khiến thế giới bất ổn, và hiện tại kỷ nguyên của thế giới đơn cực đã kết thúc. Đây là một trong những bài phát biểu quan trọng của Tổng thống Putin kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, được coi là cơ hội để thế giới hiểu hơn về suy nghĩ của ông. Trong phát biểu của mình, Tổng thống Putin cũng chỉ trích phương Tây đang tìm cách làm tổn thương nền kinh tế Nga, khẳng định quyết định tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine là một phản ứng đối với mối quan hệ ngoại giao và an ninh ngày càng tăng của Ki-ép với phương Tây.

Trung Quốc nhấn mạnh cam kết hợp tác với Nga

Trong một diễn biến liên quan, CNBC đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh cam kết tăng cường quan hệ thương mại đối với Nga, bất chấp việc Nga đang phải chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây.

Trong phát biểu của mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, “thương mại giữa Nga và Trung Quốc trong nửa đầu năm nay đã đạt hàng chục tỷ đô la Mỹ, và Trung Quốc mong đợi những kỷ lục mới trong những tháng tới, đây là minh chứng cho sự hợp tác tuyệt vời giữa hai quốc gia”. Theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, thương mại giữa Trung Quốc và Nga đạt tổng cộng 65,81 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn sự tăng trưởng đến từ nhập khẩu của Nga vào Trung Quốc./.

Giá Bitcoin xuống thấp nhất trong 18 tháng

Giá đồng tiền điện tử bitcoin hôm qua đã rơi xuống dưới mốc 20.000 USD, thiết lập thêm một kỷ lục buồn trong năm nay của đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới này. 

Cụ thể, Reuters đưa tin, bitcoin giảm 7,1% giá trị xuống còn 18.993 USD sau khi có lúc trước đó rớt xuống 18.732 USD. Đây là mức thấp nhất của đồng tiền này kể từ tháng 12/2020. Trong năm nay, bitcoin đã giảm 59% giá trị và các đồng tiền điện tử khác cũng giảm mạnh. 

Giá của bitcoin và nhiều loại tiền điện tử khác đồng loạt lao dốc sau khi nền tảng vay và cho vay tiền điện tử lớn nhất thế giới Celsius (Mỹ) tạm dừng tất cả các hoạt động rút tiền, hoán đổi tiền và chuyển tiền giữa các tài khoản, dấy lên lo ngại thị trường tài sản số sẽ sụp đổ.

Nhân viên công sở Hàn Quốc thay đổi thói quen sinh hoạt

Tình trạng lạm phát gia tăng đang len lỏi vào tận những bữa ăn hàng ngày của người dân trên thế giới. Tại Hàn Quốc, các nhân viên công sở cũng đang phải dần thay đổi thói quen ăn uống để tiết kiệm hơn, theo đó chuyển những bữa ăn trưa đắt đỏ thành các bữa ăn nhanh ở cửa hàng tiện lợi.

Korea Herald đã có bài khảo sát thói quen ăn uống của các nhân viên văn phòng ở Hàn Quốc, những người trở lại văn phòng làm việc sau hơn 2 năm làm việc ở nhà vì ảnh hưởng của đại dịch, cho thấy việc hóa đơn bữa trưa tăng mạnh so với thời điểm trước đại dịch đã khiến nhiều người chuyển sang dùng bữa trưa ở các cửa hàng tiện lợi vốn có giá rẻ hơn. Họ chia sẻ trong điều kiện ngân sách eo hẹp và giá cả mọi thứ đều tăng cao, họ đã phải cắt giảm hầu hết các khoản chi, kể cả từ một bữa ăn bình thường. Giá trung bình cho một bữa ăn ở cửa hàng tiện lợi là khoảng 5000 won (4 USD), chỉ bằng 1/4 một bữa ăn ở các nhà hàng.

 Kiểm soát hành vi trốn thuế ngành Livestream Trung Quốc

Những năm gần đây, livestreams - phát trực tiếp đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc, với hàng triệu người có ảnh hưởng đang chạy các kênh như Douyin, TikTok, Kuaishou và các nền tảng video ngắn khác. Trong bối cảnh này, Trung Quốc đang tăng cường siết chặt kiểm soát và thực thi luật thuế trong lĩnh vực này để hỗ trợ chiến dịch vì sự thịnh vượng chung của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 

“Các ngôi sao livestream của Trung Quốc có nguy cơ bị kiểm duyệt” là tiêu đề bài phân tích được đăng tải trên tờ The Guardian, trong đó chỉ ra khoản lợi nhuận khổng lồ mà lĩnh vực này thu được. Theo công ty tư vấn quản lý McKinsey, phát trực tiếp chiếm 10% doanh thu thương mại điện tử Trung Quốc. Gần nửa tỷ người đã mua hàng thông qua các buổi phát trực tiếp năm 2021, tăng 20% so với năm trước. McKinsey dự đoán ngành công nghiệp này có giá trị hàng hóa sẽ vượt qua 420 tỷ đô la trong năm nay. Sự phát triển bùng nổ của ngành công nghiệp này đã thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý. Vào tháng 12 năm ngoái, một trong những ngôi sao livestreams lớn nhất, Huang Wei, (nghệ danh Viya), đã bị phạt hơn 210 triệu USD vì tội trốn thuế. Mức phạt lớn báo hiệu rằng các nhà chức trách đang thắt chặt việc đánh thuế đối với những cá nhân có thu nhập cao.

Bloomberg cho biết, hiện nay các nền tảng phát trực tuyến được yêu cầu thu thuế thu nhập và gửi báo cáo bao gồm thông tin cá nhân của các nhân vật trên mạng xã hội cho chính quyền địa phương sáu tháng một lần, theo hướng dẫn được ban hành vào tháng 3/2022. Các công ty có nghĩa vụ giữ lại và nộp các khoản thanh toán thuế thu nhập cá nhân cho những người phát trực tiếp. Cơ quan quản lý thuế nhà nước cho biết trên trang web của mình rằng, những người phát trực tiếp và các nền tảng nên cạnh tranh công bằng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý của họ để nộp thuế. Bên cạnh đó, cùng với trách nhiệm về thuế, những người có ảnh hưởng đến thương mại điện tử phát trực tiếp cũng đang phải đối mặt với các quy định ngày càng gia tăng, buộc họ phải chịu trách nhiệm về những thứ họ livestreams hàng ngày./.

Hồng Nhung