Điểm báo quốc tế ngày 22/5: Tổng thống Mỹ mong muốn hàn gắn quan hệ Nhật – Hàn

Tổng thống Mỹ mong muốn hàn gắn quan hệ Nhật – Hàn; Nga không cung cấp miễn phí khí đốt; Mỹ sắp tiếp nhận các lô sữa công thức từ Châu Âu; Đức: Vé đi lại không giới hạn chỉ 9,50 USD; Hậu quả cuộc xung đột Nga – Ukraine với môi trường, là những nội dung đáng chú ý trong điểm báo quốc tế 22/5/2022.

TỔNG THỐNG MỸ MONG MUỐN HÀN GẮN QUAN HỆ NHẬT – HÀN

Trong chuyến thăm Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa lên tiếng cho biết có nhiều khả năng để cải thiện mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước đồng minh quan trọng của nước này là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Phát biểu sau cuộc hội đàm thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Hàn Quốc Yun Sấc Yơng tại Sơ-un, Tổng thống Mỹ cho biết ông đã thảo luận với người đồng cấp về mối quan hệ của Hàn Quốc với Nhật Bản, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ 3 bên bền chặt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng giữa các nền dân chủ hiện nay. Đáp lại, Tổng thống Hàn Quốc đã đồng ý nỗ lực xây dựng lòng tin với Nhật Bản, trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước đang ở mức thấp nhất kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1965, với những vấn đề tranh cãi liên quan đến lịch sử thời chiến và thương mại vẫn chưa được giải quyết.

NGA KHÔNG CUNG CẤP MIỄN PHÍ KHÍ ĐỐT

Người phát ngôn Điện Kremlin vừa lên tiếng khẳng định, các quốc gia “không thân thiện” với Nga cần phải thanh toán khí đốt bằng đồng rúp, nếu không, nguồn cung sẽ ngừng lại.

Tờ Tass dẫn lời Người phát ngôn điện Kremlin Đờ-mi-tri Pét-xcốp khẳng định, Nga không cung cấp miễn phí khí đốt cho bất cứ quốc gia nào, nếu các nước không thực hiện thanh toán khí đốt bằng đồng rúp. Phát biểu được đưa ra khi Nga đã quyết định ngừng cung cấp khi đốt cho Phần Lan vì Phần Lan không chấp nhận việc chuyển sang thanh toán bằng đồng rúp, trong khi Phần Lan đã quyết định đưa các tranh chấp liên quan đến hợp đồng cung cấp ra trọng tài quốc tế.

MỸ SẮP TIẾP NHẬN CÁC LÔ SỮA CÔNG THỨC TỪ CHÂU ÂU

Reuters đưa tin, những chuyến hàng sữa công thức trẻ em đầu tiên từ châu Âu sẽ tới Mỹ trong hôm nay, để giúp nước này giải quyết tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng sữa công thức hiện nay.

Tổng thống Joe Biden cho biết những chuyến bay quân sự xuất phát từ Đức sẽ mang theo sữa công thức về nước cuối tuần này. Dự kiến sẽ có tới 1,5 triệu hộp sữa công thức Nestlé an toàn cho trẻ sơ sinh sẽ được bày bán sớm nhất có thể. Trước đó, Tổng thống Mỹ đã viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để nỗ lực tăng nguồn cung, trong bối cảnh chính phủ nhận nhiều lời chỉ trích vì chậm trễ giải quyết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này.

ĐỨC: VÉ ĐI LẠI KHÔNG GIỚI HẠN CHỈ 9,50 USD

Cả tháng đi lại du lịch chỉ mất 9,5 đô la Mỹ, tức là khoảng 220 nghìn VNĐ, thông tin này thật hấp dẫn với những tín đồ du lịch trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao như hiện nay. Và người dân Đức chính là người hưởng lợi với chính sách mới nhất này.

CNN đưa tin, chính phủ Đức vừa phê duyệt việc phát hành một chiếc vé giao thông công cộng không giới hạn với giá chỉ 9,5 đô la Mỹ một tháng. Dự kiến vé sẽ được ra mắt vào tháng 6 này, thời điểm bùng nổ du lịch trong nước. Chiếc vé này thể được sử dụng trên toàn quốc, trên các phương tiện giao thông như xe lửa, xe buýt và xe điện tại mỗi địa phương. Đây là một phần trong gói cứu trợ năng lượng của chính phủ Đức, trong đó khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đi lại trong mùa hè này.

HẬU QUẢ CUỘC XUNG ĐỘT NGA – UKRAINE VỚI MÔI TRƯỜNG

Cuộc xung đột Nga – Ukraine kéo dài đang cho thấy mức độ ảnh hưởng và hậu quả của nó trên nhiều lĩnh vực trở nên trầm trọng hơn dự tính, trong đó có những tác động đến môi trường. Một số tờ báo lớn đã có bài phân tích về vấn đề này.

Tờ Financial Times có bài phân tích động thái của Liên minh châu Âu (EU) trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga, trong đó các nhà lãnh đạo đã quyết định gia hạn hoạt động các nhà máy điện than và điện hạt nhân lẽ ra đã phải đóng cửa, để giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga trong năm nay. Thế nhưng, việc tăng cường sử dụng điện than chắc chắn sẽ để lại những hậu quả ngắn hạn đối với chương trình nghị sự xanh của EU, mặc dù khối này khẳng định họ vẫn sẽ đạt được các mục tiêu giảm thiểu carbon như đã đề ra. EU trước đó đặt mục tiêu giảm 55% lượng khí thải carbon dioxide vào năm 2030 và trở thành khu vực không carbon vào năm 2050, bằng cách giảm sử dụng và nhập khẩu khí đốt, than đá.

Đề cập đến những lo ngại về việc tăng cường sử dụng năng lượng hoá thạch ở châu Âu làm nguồn thay thế cho năng lượng của Nga, tờ CNBC dẫn lời của Tổng thư kí LHQ Antonio Guterres rằng, “đây là một hành động kỳ quặc”, và “việc tăng cường sử dụng nhiên liệu hoá thạch là sự huỷ diệt lẫn nhau”. Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã gián tiếp làm tăng lượng khí thải từ các nhà máy than nhiệt điện trong thời gian tới. Để bảo vệ môi trường và đạt được các mục tiêu khí hậu, người đứng đầu LHQ cùng các chuyên gia cho rằng, giờ là lúc cần nhanh chóng hướng tới một tương lai cho năng lượng tái tạo.

Hồng Nhung