Điểm báo quốc tế ngày 7/4: Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt vào hai con gái của Tổng thống Nga Putin

Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt hai con gái của tổng thống Putin; Hàn Quốc phê duyệt gần 30 triệu USD cho kế hoạch di rời văn phòng tổng thống đắc cử; Phó Trưởng đặc khu Hong Kong (Trung Quốc) tranh cử; Vaccine tăng cường bảo vệ người già khỏi Omicron, hiệu quả suy yếu nhanh ... là những tin quốc tế đáng chú ý trên các mặt báo ngày 7/4/2022.

Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt hai con gái của tổng thống Putin

Mở đầu phần điểm báo quốc tế hôm nay sẽ là thông tin về những biện pháp trừng phạt mà Mỹ mới công bố đối với Nga. Theo đó, 1 loạt các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhắm vào hai con gái của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng như các ngân hàng công và tư lớn nhất của nước này. 

The Guardian đưa tin, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga bao gồm cấm bất kỳ người Mỹ nào đầu tư vào Nga, kể cả thông qua hình thức đầu tư mạo hiểm hay sáp nhập. Các biện pháp trừng phạt mới cũng nhắm vào Maria Vorontsova và Katerina Tikhonova, hai con gái trưởng thành của ông Putin. Ngoài ra, vợ và con gái Ngoại trưởng Xéc-gây La-vrốp cùng các thành viên của Hội đồng An ninh Nga, cũng bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt mới. Dự kiến trong ngày 7/4, Mỹ sẽ bổ sung lệnh trừng phạt với doanh nghiệp nhà nước chủ chốt của Nga, nhằm ngăn chặn khả năng giao dịch và chuyển tiền qua hệ thống tài chính toàn cầu.

Hàn Quốc phê duyệt gần 30 triệu USD cho kế hoạch di rời văn phòng tổng thống đắc cử

Nội các Hàn Quốc vừa phê duyệt khoản quỹ 29,5 triệu USD cho kế hoạch di dời văn phòng của Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol. Tổng chi phí di dời ước tính lên tới khoảng 40 triệu USD.

Theo thông tin từ Reuters, Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in đã yêu cầu nhanh chóng phê duyệt ngân sách cho việc di dời văn phòng làm việc của người kế nhiệm. Động thái này nhằm tạo điều kiện cho việc chuyển giao chính phủ suôn sẻ, không có khoảng trống an ninh. Theo đó, Tổng thống đắc cử Hàn Quốc

Yoon Suk-yeok

đã chọn khu nhà của Bộ Quốc phòng ở quận trung tâm Yongsan, thủ đô Seoul, làm văn phòng mới, thay vì Nhà Xanh như những người tiền nhiệm. Ông Yoon cho biết ông quyết định rời Nhà Xanh vì nơi đây là "biểu tượng của quyền lực phong kiến". Theo kế hoạch, ông

Yoon Suk-yeok

sẽ nhậm chức và bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm vào ngày 10/5 tới.

 Phó Trưởng đặc khu Hong Kong (Trung Quốc) tranh cử

Liên quan đến cuộc bầu cử sắp tới tại đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), trang mạng tờ Bangkok Post đưa tin, Ông John Lee - phó trưởng đặc khu Hong Kong, chính thức tuyên bố ra tranh cử sau khi nhà lãnh đạo Lâm Trịnh Nguyệt Nga thông báo rút lui chỉ sau một nhiệm kỳ.

Ý định tranh cử chức trưởng đặc khu được ông Lee đưa ra trong cuộc họp báo chiều tối 6/4 (giờ Việt Nam). Theo quy định, ông Lee đã nộp đơn từ chức phó trưởng đặc khu và được cho nghỉ ngay lập tức, chờ quyết định của chính quyền Bắc Kinh. Theo Bangkok Post, chính quyền thành phố và Bắc Kinh đã tiến hành một số cải tổ để bảo đảm "chỉ có những người yêu nước" mới có thể tham gia bầu chọn. Theo kế hoạch, tân trưởng đặc khu Hong Kong sẽ được một ủy ban gồm 1.500 người bỏ phiếu chọn ra vào ngày 8-5 tới.

Vaccine tăng cường bảo vệ người già khỏi Omicron, hiệu quả suy yếu nhanh

Một nghiên cứu mới của Israel cho thấy, mũi tiêm nhắc lại của vắc-xin Pfizer  cung cấp khả năng bảo vệ ngắn hạn bổ sung chống lại biến thể Omicron và bệnh chuyển biến nặng ở người cao tuổi. Tuy nhiên, hiệu quả của mũi tăng cường sẽ giảm dần chỉ sau bốn tuần và gần như biến mất sau tám tuần.

Trong bài viết trên trang Straits Times, nghiên cứu này của Israel tập trung vào nhóm người từ 60 tuổi trở lên. Nghiên cứu được công bố ngày 5/4 trên Tạp chí Y học New England, cho thấy rằng các việc tiêm mũi bổ sung ngừa Covid-19 có khả năng cung cấp sự bảo vệ chống lại biến thể Omicron ở những người cao tuổi. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, mũi tăng cường thứ tư dường như chỉ cung cấp khả năng bảo vệ ngắn hạn và mang lại lợi ích tuyệt đối khiêm tốn”. Nghiên cứu được công bố vào thời điểm nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ đang cân nhắc liệu có nên triển khai tiêm mũi vaccine bổ sung cho người dân hay không.

“Zero covid" làm tăng nguy cơ đứt gãy các chuỗi cung ứng tại Trung Quốc

Trung Quốc hôm qua ghi nhận hơn 20.000 ca nhiễm mới Covid-19, con số cao kỷ lục kể từ khi ghi nhận dịch bệnh đến nay. Trước tình hình này, giới chức Trung Quốc đã ban hành chính sách phong tỏa nghiêm ngặt tại nhiều tỉnh, thành phố lớn để ngăn chặn đà lây lan của virus. Tuy nhiên, chính những chính sách này đang khiến tình trạng thiếu phân bón, lao động, giống cây trồng tại Trung Quốc ngày càng trầm trọng hơn, giữa thời điểm một số tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm đang chuẩn bị bước vào mùa gieo hạt quan trọng nhất trong năm.

Financial Times có bài viết “Chính sách zero-Covid của Trung Quốc có nguy cơ gây ra khủng hoảng nông nghiệp và thiếu lương thực”. Chính sách phong tỏa nghiêm ngặt tại Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu phân bón, lao động và hạt giống, ngay trong thời điểm chuẩn bị cho vụ mùa xuân quan trọng. Số liệu chính thức cho thấy, có tới 1/3 nông dân ở các tỉnh Đông Bắc Trung Quốc như Cát Lâm, Liêu Ninh và Hắc Long Giang không có đủ đầu vào nông nghiệp sau khi chính quyền phong tỏa các ngôi làng để chống lại Covid-19. Đây cũng là 3 tỉnh chiếm hơn 20% sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc. Bài viết nhận định, sự sụt giảm sản lượng ngũ cốc mùa xuân của Trung Quốc, như gạo hoặc ngô, có thể làm suy yếu nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của Bắc Kinh nhằm đảm bảo khả năng tự cung cấp lương thực. Tình thế này sẽ buộc Trung Quốc phải tăng cường nhập khẩu, dẫn tới khả năng gia tăng lạm phát giá lương thực trong bối cảnh xung đột tại Ukraine vẫn tiếp diễn, ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng lương thực tòn cầu.

Cũng liên quan tới vấn đề này, Bloomberg đăng tải bài viết “Ảnh hưởng của chính sách Zero Covid tới mục tiêu an ninh lương thực tại Đông Bắc Trung Quốc”. Nội dung bài viết đề cập tới việc tỉnh Cát Lâm - khu vực trồng ngô lớn thứ hai của đất nước đã bị phong tỏa trong nhiều tuần do sự gia tăng các ca nhiễm mới, đồng nghĩa với việc nông dân không thể ra đồng canh tác vụ mùa xuân. Theo tác giả bài viết, điều này đã góp phần gia tăng những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt trong việc đảm bảo nguồn cung cấp lương thực, trong bối cảnh xung đột tại Ukraine khiến giá cả tăng vọt. Cái khó đối với ngành nông nghiệp Trung Quốc, đó là không rõ khi nào thì các lệnh phong tỏa mới được dỡ bỏ để quay trở lại sản xuất. Nhận thức được những rủi ro, giới chức Cát Lâm nhấn mạnh, kiểm soát dịch bệnh và trồng trọt vào mùa xuân là cả hai ưu tiên chính. Các nhà chức trách phải đảm bảo nông dân có thể trở về quê hương để làm việc, đồng thời đảm bảo nguồn cung hạt giống và phân bón kịp thời.

Bùi Thảo