Điểm báo quốc tế: Thủ tướng Thụy Điển từ chức

Thủ tướng Thụy Điển từ chức; Lãnh đạo Nga – Trung Quốc sắp gặp nhau; Triều Tiên duy trì quan điểm cứng rắn; WHO lạc quan sớm chấm dứt đại dịch Covid-19; Ủy ban Thượng viện Mỹ thông qua Dự luật mới về Đài Loan (Trung Quốc) ... là những tin tức quốc tế đáng chú ý trên các mặt báo ngày 15/9/2022.

THỦ TƯỚNG THỤY ĐIỂN TỪ CHỨC 

Tờ The Guardian đưa tin, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Anderson hôm nay đã tuyên bố từ chức, sau khi thừa nhận đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền thất bại trong cuộc tổng tuyển cử.

Phát biểu trong cuộc họp báo, bà Magdalena Andersson cho biết sẽ chuyển giao trách nhiệm điều hành đất nước cho phe cực hữu. Dù vậy, bà  Anderson khẳng định Đảng Dân chủ Xã hội của bà vẫn là đảng lớn nhất Thụy Điển với việc giành được hơn 30% số phiếu bầu.

Liên minh trung tả của Thủ tướng Anderson dự đoán sẽ thua trong cuộc bầu cử khi chỉ chiếm 173 ghế so với 176 ghế của liên minh các đảng cánh hữu. Tới nay, 99% số phiếu đã được kiểm đếm.

LÃNH ĐẠO NGA – TRUNG QUỐC SẮP GẶP NHAU

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi hai nhà lãnh đạo tới tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Uzbekistan, tờ TASS hôm nay đưa tin.

Tờ TASS dẫn thông báo của Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thảo luận về mối quan hệ song phương, hợp tác kinh tế, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó vấn đề Ukraine được coi là trọng tâm. Theo Điện Kremlin, Nga đề cao “cách tiếp cận cân bằng” của Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng Ukraine, lưu ý rằng Bắc Kinh đã “tuyên bố rõ ràng rằng họ hiểu những lý do buộc Nga phải khởi động một chiến dịch quân sự đặc biệt”. Trước đó hồi tháng 6, hai nhà lãnh đạo cũng đã có cuộc điện đàm thảo luận về vấn đề này.

TRIỀU TIÊN DUY TRÌ QUAN ĐIỂM CỨNG RẮN

Triều Tiên đang có những bước đi cứng rắn trong vấn đề hạt nhân, khi tờ Rodong Sinmun, tờ báo chính thức của Đảng Công nhân cầm quyền nước này vừa đăng tải bài xã luận khẳng định nước này sẽ không nhượng bộ trước các lệnh trừng phạt quốc tế và tiếp tục con đường của mình.

Korea Herald trích bài xã luận cho biết, các nhà chức trách Triều Tiên đã mạnh mẽ bác bỏ “sáng kiến táo bạo” của chính phủ Hàn Quốc về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, cũng như bác bỏ đề xuất đàm phán giữa các cơ quan chức năng để giải quyết vấn đề gia đình ly tán. Những bước đi này hỗ trợ cho quan điểm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đưa ra hôm 8/9 về việc nước này không có ý định đàm phán về phi hạt nhân hóa, cũng như cho phép tấn công hạt nhân phủ đầu nếu nhận thấy an ninh bị đe dọa.

WHO LẠC QUAN SỚM CHẤM DỨT ĐẠI DỊCH COVID-19

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm nay nhận định, thế giới đang ở thời điểm thuận lợi nhất để chấm dứt đại dịch COVID-19.

Đây là nhận định lạc quan nhất của người đứng đầu WHO về cuộc khủng hoảng sức khỏe kéo dài nhiều năm qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 6 triệu người này. Ông Tedros kêu gọi thế giới cần phải nắm bắt thời điểm này, theo đó cần tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực đối phó với đại dịch Covid-19. Dựa vào tình hình thực tế, vào tháng 10 này WHO sẽ đưa ra quyết định xem liệu đại dịch Covid-19 có còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm hay không.

ỦY BAN THƯỢNG VIỆN MỸ THÔNG QUA DỰ LUẬT MỚI VỀ ĐÀI LOAN (TRUNG QUỐC)

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ vừa thông qua dự luật giúp tăng cường đáng kể hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Đài Loan (Trung Quốc), bao gồm các điều khoản hỗ trợ an ninh bổ sung hàng tỉ USD. Bước đi này được cho là làm tăng tính chính thức của mối quan hệ 2 bên, tuy nhiên dự kiến sẽ vấp phải phản ứng mạnh từ phía Trung Quốc.

Việc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua dự luật mở đường cho một cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện. Sau đó, để trở thành luật, nó cũng phải được Hạ viện thông qua và được Tổng thống Joe Biden ký, hoặc giành được đủ sự ủng hộ để vượt qua quyền phủ quyết. Tuy nhiên, Reuters có bài phân tích cho rằng đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự ủng hộ của cả đảng Cộng hòa và đảng viên Dân chủ Mỹ đối với những thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Đài Loan, chẳng hạn như coi đây là một đồng minh lớn không thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong khi đó, những người ủng hộ cho biết dự luật này sẽ là sự tái cấu trúc toàn diện nhất chính sách của Mỹ đối với hòn đảo này kể từ Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979.

Cùng quan điểm, tờ Politico cho rằng, triển vọng tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan và củng cố mối quan hệ của Mỹ với hòn đảo này đã gắn kết các đảng viên Dân chủ ôn hòa và đảng Cộng hòa diều hâu trong thời gian qua, dẫn đến việc dự luật này được thông qua. Đây là sự cải tổ toàn diện nhất của chính sách Mỹ - Đài Loan trong hơn 4 thập kỷ qua, bất chấp những lo ngại từ Nhà Trắng và một số thượng nghị sĩ của cả hai đảng, rằng chính sách này có nguy cơ làm thay đổi chính sách của Mỹ vào thời điểm căng thẳng Washington và Bắc Kinh gia tăng. Tuy nhiên tờ báo cũng thông tin, các thượng nghị sĩ đã làm rõ vấn đề trong phiên điều trần của hội đồng Quan hệ Đối ngoại, rằng dự luật sẽ không thay đổi chính sách “Một Trung Quốc” của Mỹ, thay vào đó, sẽ khiến Trung Quốc phải cân nhắc kỹ trong vấn đề Đài Loan. Hiện Trung Quốc chưa đưa ra phản ứng trước thông tin này.

Hồng Nhung