Điểm báo quốc tế trưa ngày 26/4: Những khó khăn đang chờ đợi Tổng thống tái đắc cử Emmanuel Macron

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố kế hoạch đề cử bà Bridget Brink làm Đại sứ Mỹ tại Ukraine; Chính phủ Hàn Quốc thông báo giảm cấp độ bệnh truyền nhiễm đối với Covid-19 từ cấp 1, mức cao nhất, xuống cấp 2; Trung Quốc đã ban hành dự thảo bộ quy tắc nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất thuốc lá điện tử... là những thông tin quốc tế đáng chú ý đăng trên các báo ngày 26/4/2022.

TỔNG THỐNG JOE BIDEN ĐỀ CỬ ĐẠI SỨ MỸ TẠI UKRAINE

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố kế hoạch đề cử bà Bridget Brink làm Đại sứ Mỹ tại Ukraine. Thông báo của Tổng thống Biden đưa ra sau khi các quan chức Mỹ thăm Ukraine và thông báo thêm về viện trợ cũng như kế hoạch mở lại đại sứ quán Mỹ tại Kiev..

Bà Bridget Brink là đương kim Đại sứ Mỹ tại Slovakia và là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Tổng thống Biden đưa ra công bố này sau nhiều tháng dư luận thắc mắc ai sẽ được chỉ định vào vị trí này, đặc biệt là sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2/2022. Tuy không tiết lộ thời gian chính xác, nhưng Ngoại trưởng Blinken cho biết, Mỹ sẽ xem xét mở đại sứ quán của họ ở Kiev trong vài tuần nữa. Trước đó, trong hơn 2 năm qua, Mỹ chưa xác nhận được vị Đại sứ nào tới Ukraine làm việc.

HÀN QUỐC HẠ MỨC DỊCH COVID-19 XUỐNG NGANG BỆNH SỞI VÀ THỦY ĐẬU

Nhật báo Korea JoongAng đưa tin, chính phủ Hàn Quốc thông báo giảm cấp độ bệnh truyền nhiễm đối với Covid-19 từ cấp 1, mức cao nhất, xuống cấp 2 tương đương với các bệnh như sởi và thủy đậu. 

Bắt đầu từ tuần này, chính phủ Hàn Quốc sẽ giảm cấp độ bệnh truyền nhiễm đối với Covid-19 từ cấp 1 (mức cao nhất với các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao, như Ebola) xuống cấp 2 tương đương với các bệnh như sởi và thủy đậu. Trong giai đoạn chuẩn bị kéo dài một tháng, bệnh nhân Covid-19 vẫn phải cách ly trong vòng 7 ngày. Sau khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc, chính phủ sẽ bắt đầu “giai đoạn giải quyết” để thực hiện những thay đổi trong hệ thống kiểm dịch và y tế tương đương với các bệnh truyền nhiễm loại 2 thực tế. 

TRUNG QUỐC CÔNG BỐ DỰ THẢO BỘ QUY TẮC  KIỂM SOÁT THUỐC LÁ ĐIỆN TỬ

Theo Reuters, Cơ quan Quản lý Độc quyền Thuốc lá Nhà nước Trung Quốc cho biết sẽ kiểm soát "một cách hợp lý" quy mô công suất sản xuất thuốc lá điện tử tại nước này. Theo đó, Trung Quốc cũng sẽ cấm đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực bán lẻ sản phẩm thuốc lá điện tử, đồng thời rà soát đầu tư của nước ngoài vào hoạt động sản xuất. Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã thắt chặt giám sát đối với thuốc lá điện tử, chỉ cho phép các công ty thuốc lá điện tử bán sản phẩm của họ thông qua các kênh được ủy quyền. Năm ngoái, nước này đã sửa đổi luật độc quyền thuốc lá, theo đó đưa các sản phẩm thuốc lá điện tử vào danh mục quản lý tương tự các sản phẩm thuốc lá truyền thống.

INDONESIA NÂNG MỨC CẢNH BÁO ĐỐI VỚI NÚI LỬA ANAK KRAKATOA

Tại Indonesia, giới chức nước này đã nâng cảnh báo đối với núi lửa Anak Krakatoa lên mức cao thứ hai trong thang cảnh báo 4 cấp độ. Quyết định được đưa ra một ngày sau khi núi lửa này phun trào trở lại, gây ra cột tro bụi cao tới 3.000 m.

Bài đăng trên trang mạng The Independent cho biết, núi lửa Anak Krakatoa - có nghĩa là Đứa con của Krakatoa - đã phun trào 21 lần trong những tuần gần đây, tuy nhiên các quan chức cho biết vụ phun trào hôm Chủ nhật vừa qua là lần phun trào lớn nhất được ghi nhận cho đến nay. Các chuyên gia khuyến cáo, "người dân phải tránh xa khu vực có bán kính 5km tính từ miệng núi lửa đang hoạt động" và phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Indonesia nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi có hoạt động địa chất dày đặc, nên thường xuyên chứng kiến động đất hoặc núi lửa phun trào."

NHIỆM KỲ 2: KHÓ KHĂN CHỜ ĐỢI TỔNG THỐNG TÁI ĐẮC CỬ EMMANUEL MACRON

Ông Emmanuel Macron, đại diện cho đảng Cộng hòa Tiến bước theo xu hướng trung dung, là tổng thống Pháp đầu tiên tái đắc cử trong 20 năm qua. Thế nhưng, các nhà quan sát nhận định 5 năm tới ở Điện Elysee sẽ không phải là một nhiệm kỳ dễ dàng khi ông Macron đối mặt với hàng loạt thách thức trong một nước Pháp chia rẽ.

Trong bài đăng “Điều gì chờ đợi ông Emmanuel Macron sau khi tái đắc cử” trên The Guardian, tác giả nhận định, ông Macron có thể sẽ phải đối mặt với nhiệm kỳ thứ hai nhiều thách thức hơn so với nhiệm kỳ đầu. Ưu tiên đầu tiên là đảm bảo đa số trong Nghị viện và bổ nhiệm chính phủ. Nếu không, quyền lực của Tổng thống sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Thách thức thứ hai là khủng hoảng về giá chi phí sinh hoạt tại Pháp, khi một số lượng lớn cử tri cho biết họ gặp khó khăn trong việc kiếm sống và chi phí sinh hoạt trở thành vấn đề quan trọng của chiến dịch tranh cử Tổng thống vừa qua. Lương hưu, trường học, y tế, tội phạm cũng là những thách thức đối với nhiệm kỳ 2 của Tổng thống.  Với các vấn đề quốc tế, trong 2 tháng còn lại của Nhiệm kỳ chủ tịch EU, Tổng thống Pháp sẽ phải nỗ lực thực hiện các ưu tiên như đảm bảo biên giới bên ngoài của khối, kiểm soát tình trạng di cư, tăng cường hợp tác quốc phòng… 

Xung đột Nga – Ukraine cũng không nằm ngoài những thách thức trong nhiệm kỳ tiếp theo của ông Macron. Cũng theo bài viết, quan trọng nhất lúc này đối với ông Macron, là kết nối lại với các cử tri. Tổng thống Pháp thừa nhận rằng ông phải ưu tiên xây dựng lại mối quan hệ với những cử tri đã xa lánh mình, và hứa sẽ lắng nghe cử tri hơn.

Tờ Telegraph tổng hợp ý kiến truyền thông nước Pháp về chiến thắng của đương kim Tổng thống Macron, cảnh báo về những thách thức khó khăn phía trước. Đa số báo chí Pháp cho rằng, ông Macron đã "tái đắc cử mà không có tuần trăng mật". Phó Tổng biên tập nhật báo Le Monde của Pháp cho rằng, dù đã chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này, nhưng Tổng thống Pháp Macron đã thất bại trong việc đạt mục tiêu tranh cử năm 2017 của chính mình. Le Parisien, nhật báo của thủ đô Pháp, viết rằng ông Macron "tái đắc cử nhưng chịu nhiều áp lực". Theo đó, ưu tiên hàng đầu của ông Macron sẽ là "xoa dịu đất nước" bằng các biện pháp để chống lại chi phí sinh hoạt tăng cao và ngăn chặn tình trạng bất ổn xã hội có thể "bùng nổ". Le Figaro tỏ ra lạc quan hơn, với bài đăng: “Chiến thắng lớn, thách thức lớn”, trong đó lập luận ông Macron hiện đang nắm giữ nhiều ưu thế, và có thể chắc chắn giành được đa số tại Nghị viện Pháp. Tuy nhiên, Le Figaro cũng cảnh báo một tương lai khác xa với màu hồng đang chờ đón Tổng thống tái đắc cử Emmanuel Macron trong nhiệm kỳ thứ 2 của mình, bởi ông đang ở trong tình thế “chưa bao giờ dễ bị tổn thương như vậy”.
 

Bùi Thảo