Điểm báo quốc tế trưa ngày 29/5: Tổng thống Nga sẵn sàng đàm phán với người đồng cấp Ukraine

Tổng thống Nga sẵn sàng đàm phán với người đồng cấp Ukraine nhằm chấm dứt xung đột; Hàn Quốc bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung; Nhật cảnh báo người di cư Ukraine không làm việc tại quán bar; 31 người thiệt mạng do giẫm đạp khi nhận thức ăn từ thiện tại Nigeria... là những tin đáng chú ý trên các mặt báo quốc tế.

TỔNG THỐNG NGA SẴN SÀNG ĐÀM PHÁN VỚI NGƯỜI ĐỒNG CẤP UKRAINE

Hãng thông tấn nhà nước TASS đưa tin, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 28/5, Tổng thống Nga Putin khẳng định Moscow sẵn sàng nối lại cuộc đối thoại với Kiev. Tuy nhiên, ông Putin cảnh báo về mối nguy hiểm của việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, có nguy cơ gây leo thang bất ổn và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo. Điện Kremlin cho biết, các nhà lãnh đạo nhất trí sẽ tiếp tục các cuộc tiếp xúc và điện đàm để tiếp tục thảo luận về các vấn đề này.

HÀN QUỐC BỎ PHIẾU SỚM TRONG CUỘC BẦU CỬ QUỐC HỘI BỔ SUNG

Cử tri Hàn Quốc hôm nay đi bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử địa phương và bầu cử bổ sung Quốc hội được ấn định vào ngày 1/6. Cuộc bầu cử được tiến hành chưa đầy một tháng sau khi tân Tổng thống Yoon Suk Yeol chính thức nhậm chức, vì thế sự kiện này được xem như cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên đối với Tổng thống và Chính phủ mới ở Hàn Quốc.

Tờ Korea Herald đưa tin, các cử tri đủ điều kiện có thể tham gia bỏ phiếu sớm tại 3.551 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc, để lựa chọn chọn 17 thị trưởng đô thị mới và thống đốc tỉnh cũng như 226 người đứng đầu các đơn vị hành chính địa phương khác và các ghế bổ sung trong Quốc hội. Cả Đảng Nhân dân cầm quyền và Đảng Dân chủ đối lập chính đều khuyến khích cử tri tham gia bỏ phiếu sớm, vì họ nhận thức được việc tập hợp những người ủng hộ đi bỏ phiếu sớm có thể là yếu tố quyết định để xác định người chiến thắng vào ngày 1/6 này.

NHẬT BẢN CẢNH BÁO NGƯỜI DI CƯ UKRAINE KHÔNG LÀM VIỆC TẠI CÁC QUÁN BAR

Đã có những trường hợp người Ukraine di cư sang Nhật Bản làm việc trong các quán bar và cơ sở giải trí cho người lớn. Tờ Japan Times đưa tin, Bộ Tư pháp Nhật Bản đã lên tiếng cảnh báo về điều này.

Japan Times dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Yoshihisa Furukawa cho biết, đã có tổng cộng 1.055 người Ukraine sơ tán sang Nhật Bản trong những tháng vừa qua, và họ được cấp thị thực cho phép họ ở lại Nhật Bản trong một năm và làm việc. Tuy nhiên có những người đang làm việc tại một số cơ sở mà họ không được phép theo luật giải trí dành cho người lớn ở nước này. Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản lo ngại rằng, một số người di cư Ukraine nếu tiếp tục hoạt động như vậy có thể trở thành nạn nhân của nạn buôn người.

NIGERIA: GIẪM ĐẠP KHIẾN HƠN 30 NGƯỜI THIỆT MẠNG, PHẦN LỚN LÀ TRẺ EM

Giới chức Nigeria cho biết ít nhất 31 người đã thiệt mạng do giẫm đạp khi hàng trăm người tập trung trong một sự kiện phát thức ăn từ thiện diễn ra tại một nhà thờ ở bang Ri-vơ, miền Nam Nigeria. 

Theo hãng tin CNN, hầu hết nạn nhân trong vụ việc này là trẻ em. Theo đó, khi hàng trăm người dân đến nhận thức ăn từ thiện, một số người đã mất kiên nhẫn, vội vã xô đẩy nhau và phá cổng xông vào, gây ra thảm kịch đau lòng. Quan chức địa phương xác nhận ngoài 31 người thiệt mạng còn có 7 người phải nhập viện. Cảnh sát ở hiện trường đang theo dõi tình hình, công tác điều tra đang được khẩn trương tiến hành.

ASEAN ĐÓNG VAI TRÒ TÍCH CỰC TRONG XÂY DỰNG TƯƠNG LAI CHÂU Á

Hội nghị Tương lai châu Á vừa diễn ra sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo châu Á, trong đó các bài phát biểu đều tập trung đánh giá tình hình thế giới và khu vực hiện nay, cũng như đề cập chi tiết tới các đề xuất nhằm phát huy vị thế và vai trò của châu Á cho một thế giới tốt đẹp hơn, từ đó đóng góp vào phục hồi và phát triển, thịnh vượng chung toàn cầu. Các bài phát biểu đều đánh giá cao vai trò của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong khu vực.

Tờ Newswires có bài phân tích về bối cảnh diễn ra Hội nghị tương lai châu Á lần thứ 27, trong đó nhấn mạnh, sau 2 năm đối phó với đại dịch COVID-19, đã đến lúc châu Á cần tiếp tục tập trung vào sự ổn định và phát triển bền vững. Sự đoàn kết của châu Á là điều cần thiết để giải quyết các vấn đề toàn cầu phức tạp, chẳng hạn như cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, và sự chênh lệch giàu nghèo. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã cam kết về những vai trò và trách nhiệm mới mà họ có thể đảm nhận trong bối cảnh khủng hoảng chia rẽ hiện nay

Trong đó, trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã khẳng định ông muốn tập trung nhất vào mối quan hệ với ASEAN khi nghĩ về tương lai của châu Á. Thủ tướng Nhật Bản đề cao vai trò của ASEAN trong khu vực, nhấn mạnh ASEAN đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của khu vực châu Á, dựa trên các nguyên tắc "thống nhất" và “tập trung” của khối, nhưng cũng đồng thời bao hàm sự đa dạng. Nhật Bản đã nhất quán duy trì các nguyên tắc của ASEAN này và mong muốn đồng hành cùng ASEAN với tư cách là một đối tác tin cậy để cùng xây dựng tương lai châu Á, nhất là trong bối cảnh năm tới ASEAN và Nhật Bản sẽ kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác. 

Là nước chủ tịch ASEAN năm nay, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng đã khẳng định, ASEAN đang củng cố vai trò trung tâm và thống nhất của mình, để đảm bảo có khả năng phục hồi và mạnh mẽ trước những áp lực và ảnh hưởng bắt nguồn từ việc gia tăng cạnh tranh địa chính trị và các thách thức khác.ASEAN đang thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả tất cả các sáng kiến và biện pháp đã đạt được sự đồng thuận trong nhiều lĩnh vực như thương mại, kĩ thuật số, góp phần vào sự phục hồi bền vững và toàn diện sau đại dịch Covid-19. Từ đó, ASEAN sẽ nỗ lực để đảm nhận vai trò tích cực hơn trong việc xây dựng “một tương lai tươi sáng hơn” cho châu Á và phần còn lại của thế giới.
 

Hồng Nhung