Điểm báo sáng 09/10: Nhà đầu tư mới cẩn trọng với bẫy cắt lỗ

Nhà đầu tư mới cẩn trọng với bẫy cắt lỗ; Áp lực nghề điều dưỡng; Vì sao hàng nội vẫn thích đi tàu ngoại? Lạm thu, có cần sửa quy định?... là những tin tức nổi bật trên các báo ra ngày 09/10.

NHÀ ĐẦU TƯ MỚI CẨN TRỌNG VỚI BẪY CẮT LỖ

Lợi dụng sự xáo trộn của thị trường bất động sản, đặc biệt là cơn khủng hoảng về thanh khoản, một số nhà đầu tư rao bán cắt lỗ nhưng thực tế chỉ là giảm một phần lợi nhuận. Các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư mới nên cẩn trọng để không “dính bẫy” Bài viết trên báo Lao động.

Theo báo Lao động, tại nhiều tỉnh, thành phố, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng trầm lắng sau những đợt sốt điên cuồng. Thanh khoản giảm trong khi áp lực tài chính tăng khiến số lượng người rao bán đất tăng mạnh. Các chuyên gia khuyến cáo, nhà đầu tư cần cẩn trọng trước các thông tin rao bán “dưới giá gốc”, “cắt lỗ, giảm sâu”… Đặc biệt, trong bối cảnh lãi suất nhảy múa, tiếp cận vốn tín dụng khó, nhà đầu tư tuyệt đối không nên vay tiền để đầu tư “nhà đất giá rẻ” theo lời quảng cáo. Việc giảm giá chỉ là cục bộ và ở mức rất hạn chế, chủ yếu xảy ra ở những nhà đầu tư đuối vốn, thậm chí “vỡ nợ” nhưng cũng rất hiếm. Vì vậy, theo nhiều nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, không nên kỳ vọng chờ giá đất giảm để mua.

ÁP LỰC NGHỀ ĐIỀU DƯỠNG

Theo thông tin từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, năm 2022 đầu vào tuyển dụng nghề điều dưỡng giảm 3 – 4 lần, dẫn đến tình trạng bệnh viện thiếu điều dưỡng trầm trọng. Áp lực công việc, thu nhập thấp khiến nghề điều dưỡng không còn hấp dẫn. Bài viết trên báo Đại đoàn kết.

Theo báo Đại đoàn kết, điều dưỡng nghỉ việc ngày càng nhiều, thiết nghĩ Việt Nam nên triển khai hình thức trợ lý điều dưỡng nhằm giảm tải công việc cho các điều dưỡng hiện nay. Trên thế giới, trợ lý điều dưỡng là hình thức rất phổ biến. Bộ Y tế ghi nhận, tỷ lệ điều dưỡng trên dân số Việt Nam đang rất thấp so với thế giới, trung bình 11,4/10.000 dân; số điều dưỡng trên một bác sĩ cũng rất thấp. Trong khi đó, ở một số nước cứ một bác sĩ có 3 – 4 điều dưỡng, ở Nhật Bản một bác sĩ có đến 9 – 10 điều dưỡng.

VÌ SAO HÀNG NỘI VẪN THÍCH ĐI TÀU NGOẠI?

Tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2020 đạt trung bình khoảng 11,7%/năm. Dù xuất nhập khẩu có xu hướng tăng nhưng thị phần vận chuyển của đội tàu Việt Nam lại theo chiều ngược lại. Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân để thị phần vận tải hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam rơi vào tay các chủ tàu nước ngoài. “Vì sao hàng nội vẫn thích đi tàu ngoại” là bài viết nổi bật trên báo Giao thông.

Theo báo Giao thông, hàng xuất nhập khẩu hiện nay chủ yếu là hàng container, nhưng Việt Nam hiếm khi có tàu mẹ ghé cảng. Cùng đó, các doanh nghiệp sẽ chọn tàu phù hợp với các thị trường mình nhắm đến, ví như xuất khẩu sang Hàn Quốc sẽ chọn tàu của Hàn, xuất khẩu sang Nhật sẽ chọn tàu của Nhật. Để đội tàu Việt Nam có “suất” trong đó không đơn giản. Ông Bùi Việt Hoài - nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội chủ tàu Việt Nam thổ lộ, nhiều tàu tập trung khai thác các tuyến nội địa nên thị phần vận tải hàng xuất nhập khẩu ít. Chưa kể, cơ chế hiện nay là chào giá cạnh tranh nên các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nếu giá rẻ sẽ chạy, không có nghĩa vụ ưu tiên cho tàu Việt Nam.

LẠM THU, CÓ CẦN SỬA QUY ĐỊNH?

Trong buổi tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ GD-ĐT đang xem xét sửa đổi thông tư, hoạt động của hội cha mẹ học sinh. Nhiều tờ báo đã có bài viết vấn đề này

Theo báo Tuổi trẻ, cách trả lời của vị tư lệnh ngành về vấn đề đang rất nóng này cho thấy quy định pháp lý liên quan tới hoạt động của hội cha mẹ học sinh chưa đáp ứng được việc kiểm soát lạm thu thông qua hội cha mẹ học sinh hiện nay. Rõ ràng lạm thu tăng cấp độ không phải do chưa có quy định hay quy định chưa chạm đến được những vấn đề đang diễn ra mà đó là hệ lụy của việc buông lỏng quản lý ở khâu thực hiện đã kéo dài rất lâu. Vậy có cần sửa thông tư hay ban hành thông tư mới như cách bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu không hay chỉ cần chấn chỉnh khâu thực hiện, xử lý chế tài cho nghiêm? Báo tuổi trẻ bình luận, rất cần Bộ GD-ĐT bình tĩnh, xử lý thấu đáo thay cho những giải pháp cốt chỉ để tạm yên lòng dư luận.