Điểm báo sáng 22/4/2022: Từ vụ tố "bị ép ký đơn không cho con thi vào lớp 10": Cần bỏ ngay căn bệnh thành tích

Thị trường chứng khoán: Chấn chỉnh sai phạm để phát triển lành mạnh, bền vững; Xử lý vi phạm về chứng khoán là yếu tố tích cực cho sự phát triển dài hạn; Khó khăn bủa vây doanh nghiệp taxi; Từ vụ tố “Bị ép ký đơn không cho con thi vào lớp 10”: Cần bỏ ngay “căn bệnh” thành tích...là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 22/4.

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN: CHẤN CHỈNH SAI PHẠM ĐỂ PHÁT TRIỂN LÀNH MẠNH, BỀN VỮNG

Trên Thời báo Tài chính Việt Nam số ra ngày hôm nay có bài viết phản ánh việc chấn chỉnh những sai phạm trên thị trường chứng khoán thời gian qua, hướng đến sự phát triển lành mạnh, bền vững thị trường này.

Theo bài viết, bên cạnh hàng chục quyết định xử lý vi phạm hành chính với tiền phạt hàng tỷ đồng từ cơ quan quản lý, chỉ từ đầu năm tới nay, cơ quan chức năng đã khởi tố 4 vụ án hình sự trên thị trường chứng khoán. Những “hạt sạn” trên thị trường chứng khoán đã và đang được thanh lọc, cho thấy hành động quyết liệt và quyết tâm rất lớn từ các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhằm lành mạnh hóa thị trường, củng cố niềm tin và bảo vệ quyền lợi dài hạn cho nhà đầu tư và các doanh nghiệp chân chính trên thị trường chứng khoán.

XỬ LÝ VI PHẠM VỀ CHỨNG KHOÁN LÀ YẾU TỐ TÍCH CỰC CHO SỰ PHÁT TRIỂN DÀI HẠN

Chia sẻ trên báo Điện tử VOV, đại diện một số doanh nghiệp cũng cho rằng, nếu nhìn lại những sự kiện tác động đến thị trường chứng khoán thời gian qua, có thể thấy hầu hết những sự kiện này sẽ không kéo dài. Việc điều tra, xử lý những vi phạm trên thị trường chứng khoán, tuy có ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, nhất là đối với các cổ phiếu thuộc diện đầu cơ tăng nóng sẽ là yếu tố tích cực cho sự phát triển của thị trường chứng khoán trong dài hạn. Việc xử phạt nghiêm minh sẽ làm tăng niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài đang nhắm đến triển vọng nâng hạng chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

KHÓ KHĂN BỦA VÂY DOANH NGHIỆP TAXI

Trong 2 năm vừa qua, số lượng phương tiện rút lui khỏi các doanh nghiệp vận tải bằng xe taxi lên tới khoảng 12.000 chiếc, hàng chục nghìn doanh nghiệp giải thể cho thấy ngành kinh doanh vận tải này đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng cần sớm có giải pháp căn cơ, cụ thể hơn để giải quyết tình trạng này. Bài viết phản ánh trên báo Kinh tế và Đô thị.

Theo đại diện một số doanh nghiệp vận tải taxi, thời gian qua, các giải pháp hỗ trợ tài chính qua hệ thống BHXH phần nào giúp người lao động giảm được áp lực. Song về lâu dài, các phương án hỗ trợ cần mang phải tính chất cơ bản, có giá trị lâu dài và bền vững hơn mới tạo cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải cơ hội phục hồi sau khi chịu quá nhiều tác động của yếu tố khách quan.

Hiện tại, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải vẫn phải đối diện với rất nhiều hệ lụy, thách thức. Cụ thể , dù đã được giảm 2% thuế song chính sách hỗ trợ này vẫn khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản nếu không được bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ.

TỪ VỤ TỐ “BỊ ÉP KÝ ĐƠN KHÔNG CHO CON THI VÀO LỚP 10”: CẦN BỎ NGAY “CĂN BỆNH” THÀNH TÍCH

Xung quanh câu chuyện “bị ép ký đơn không cho con thi vào lớp 10”, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần xử lý triệt để “bệnh thành tích”.

Bài viết trên báo Nông thôn ngày nay trích dẫn ý kiến của TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đặt câu hỏi rằng, tại sao cần có những bản báo cáo thành tích trong giáo dục? Phải chăng, báo cáo thành tích đã trở thành căn bệnh cố hữu, bắt buộc phải tồn tại. Thay vì báo cáo sự tiến bộ của học sinh về các mặt kiến thức, kỹ năng và đạo đức, các nhà quản lý giáo dục lại báo cáo về thành tích của học sinh. Cũng theo TS Vũ Thu Hương, giáo dục có 3 mục tiêu: Kiến thức, kỹ năng và đạo đức. Có lẽ đã đến lúc, chúng ta phải xử lý triệt để từ bản báo cáo thành tích. Có như vậy, giáo dục mới đúng nghĩa là giáo dục”.

Báo Lao động mới đây cũng có bài viết phân tích về nội dung này. Theo bài viết, việc tham dự hay không tham dự kỳ thi vào lớp 10 là quyền của học sinh và phụ huynh học sinh. Việc hướng nghiệp theo cách liên tục gọi học sinh, phụ huynh lên gặp, nhắc nhở, yêu cầu viết đơn xin không dự thi… đã tước đi quyền lợi của học sinh, khiến các em có học lực yếu trở thành cá biệt và bị chán nản vì sớm bị loại khỏi cuộc đua vào lớp 10 so với bạn bè. Cũng theo bài viết, rất nhiều phụ huynh, những người từng nếm trải sự việc này đã bức xúc, thương xót con em mình. Nhưng ai sẽ lên tiếng, công khai tất cả sự việc, để “trị” dứt điểm căn bệnh thành tích, để học sinh không chịu cảnh “bị can thiệp thô bạo” như này? Rất cần sự dũng cảm, những tiếng nói mạnh mẽ từ phía phụ huynh và cả học sinh.