Điểm tin quốc tế 18/02: Bão tuyết tại miền đông nước Mỹ

Bão tuyết hoành hành tại miền Đông nước Mỹ, Anh phát cảnh báo đỏ với bão Eunice, WHO khuyến nghị rút ngắn thời gian cách ly.. là một số tin vắn Quốc tế đáng chú ý trong tối 18/02.

BÃO TUYẾT TẠI MIỀN ĐÔNG NƯỚC MỸ

Một cơn bão tuyết vừa quét qua miền Đông nước Mỹ, gây ra nguy cơ về tuyết rơi dày, giông bão và lốc xoáy. Thời tiết xấu đã khiến khoảng 1.000 chuyến bay trên khắp nước Mỹ bị hủy. Cơn bão mùa Đông này được dự đoán sẽ gây ra những trận giông bão mạnh ở các bang Mississippi, Tennessee, Alabama và Arkansas với gió giật mạnh, mưa đá và lốc xoáy. Nguy cơ lũ quét cũng có khả năng xảy ra.

ANH PHÁT CẢNH BÁO ĐỎ VỚI BÃO EUNICE

Văn phòng Khí tượng Quốc gia Anh đã phát cảnh báo đỏ tại các khu vực ven biển phía Nam xứ Wales và Tây Nam vùng England, khi bão Eunice được dự báo sẽ đổ bộ vào nước này vào hôm nay (giờ địa phương). Cảnh báo đỏ là mức cảnh báo thời tiết nguy hiểm nhất và hiếm khi được phát đi tại Anh. Eunice, được dự đoán là cơn bão tồi tệ nhất ở Anh trong vòng 30 năm qua, có thể gây gió giật tới 145km/h, làm gián đoạn hoạt động đi lại, gây mất điện, cây đổ, tốc mái...  tại các khu vực cảnh báo đỏ, đồng thời có thể xảy ra lũ lụt nghiêm trọng tại bờ biển thuộc miền Nam và miền Tây England.

BÃO YLENIA ĐỔ BỘ VÀO ĐỨC 

Cơn bão lớn Ylenia đã quét qua nước Đức hôm qua, với sức gió lên đến 152 km/giờ. Do ảnh hưởng của bão, các chuyến tàu đường dài đã bị tạm dừng trên khắp miền Bắc. Không chỉ ngành đường sắt, ngành hàng không cũng hứng chịu ảnh hưởng. Hãng hàng không Lufthansa đã hủy 20 chuyến bay khởi hành từ sân bay Frankfurt lớn nhất nước này. Theo dự báo, bão Ylena sẽ hoành hoành tại Đức đến hết hôm ngày 18/02.

WHO KHUYẾN NGHỊ RÚT NGẮN THỜI GIAN CÁCH LY  

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị những nước đang đối phó với số ca mắc COVID-19 gia tăng nên rút ngắn thời gian cách ly 14 ngày trong một số trường hợp. 

Cụ thể, thời gian cách ly có thể giảm từ 14 ngày xuống 10 ngày mà không cần xét nghiệm, và giảm xuống 7 ngày nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 miễn là người cách ly không còn bất kỳ triệu chứng mắc bệnh nào. Theo WHO, ban hành hướng dẫn mới tạm thời này sẽ giúp ích cho những nước có các ngành dịch vụ thiết yếu đang phải chịu áp lực lớn do số ca bệnh gia tăng. Ngoài ra, WHO cũng cho rằng các nước nên cân nhắc nới lỏng các biện pháp truy vết tiếp xúc trong những trường hợp tương tự.

Hiện một số nước như Mỹ, Đức và Thụy Sĩ đã rút ngắn thời gian cách ly để đương đầu với làn sóng lây nhiễm gia tăng do biến thể Omicron.