Điểm tin quốc tế 2/5: Tuần hành biến thành hỗn loạn tại Paris, Pháp

Pháp: Tuần hành biến thành hỗn loạn; Phần Lan sẽ sớm nộp đơn xin gia nhập NATO; Hàn Quốc: Bỏ quy định đeo khẩu trang làm dấy lên nhiều lo ngại; Bão bụi nghiêm trọng tiếp tục tấn công Iraq; Tác động từ việc Nga cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria... là những tin quốc tế nổi bật có trong điểm tin quốc tế ngày 2/5.

PHÁP: TUẦN HÀNH BIẾN THÀNH HỖN LOẠN 

Theo Channel News Asia, hàng nghìn người trên khắp nước Pháp đã xuống đường tuần hành kêu gọi tăng lương và yêu cầu Tổng thống Macron từ bỏ kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu. Hầu hết đều diễn ra trong hòa bình, tuy nhiên, tại thủ đô Paris, các cuộc tuần hành đã bùng phát thành hỗn loạn. Các đối tượng cực đoan mặc đồ đen, quấn khăn, bịt mặt, đã đập phá và lục soát một số cơ sở kinh doanh trên đường phố. Khoảng 50 đối tượng đã bị bắt giữ, 8 cảnh sát bị thương. Theo Bộ Nội vụ, trên toàn nước Pháp có khoảng 116.500 người đi biểu tình, trong đó có 24.000 người ở Paris.

PHẦN LAN SẼ SỚM NỘP ĐƠN XIN GIA NHẬP NATO

Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde cho biết, việc Phần Lan xin gia nhập NATO gần như là điều chắc chắn. Và điều này sẽ thay đổi cán cân an ninh Châu Âu. Dự kiến, cả Thụy Điển và Phần Lan sẽ đưa ra quyết định về việc gia nhập NATO trong những tuần tới. Theo Reuters, việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã buộc cả Thụy Điển và Phần Lan phải xem xét lại quan điểm rằng trung lập quân sự là phương tiện tốt nhất để đảm bảo an ninh quốc gia.

HÀN QUỐC: BỎ QUY ĐỊNH ĐEO KHẨU TRANG LÀM DẤY LÊN NHIỀU LO NGẠI

Quy định này được công bố vào tuần trước như một phần trong kế hoạch nhằm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường, sau 566 ngày kể từ khi chính phủ ban hành quy định đeo khẩu trang ngoài trời vào ngày 13/10/2020. Tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải lo ngại rằng có thể còn "quá sớm" để thực thi. Nhóm chuyển tiếp của Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol đã bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định này. Trong khi đó, một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, phần lớn người dân vẫn có ý định đeo khẩu trang, ngay cả sau khi chính phủ bãi bỏ việc bắt buộc đeo khẩu trang.

BÃO BỤI NGHIÊM TRỌNG TIẾP TỤC TẤN CÔNG IRAQ

Tờ France24 đưa tin, bão bụi đã khiến nhiều chuyến bay phải hoãn do tầm nhìn kém. Trong tháng 4, Iraq cũng đã chứng kiến rất nhiều trận bão như vậy, khiến hàng loạt chuyến bay phải hủy và nhiều người phải nhập viện vì các vấn đề về hô hấp. Theo văn phòng khí tượng Iraq, hiện tượng thời tiết này sẽ ngày càng trở nên phổ biến do hạn hán, sa mạc hóa và lượng mưa giảm. Một quan chức Bộ Môi trường cảnh báo, Iraq có thể phải trải qua "272 ngày bụi" mỗi năm trong nhiều thập kỷ tới.

TÁC ĐỘNG TỪ VIỆC NGA CẮT NGUỒN CUNG KHÍ ĐỐT CHO BA LAN VÀ BULGARIA

Trong một bài phân tích với tiêu đề “Đằng sau việc Nga cắt khí đốt tự nhiên đến Bulgaria và Ba Lan là gì?”, CBS News chỉ ra rằng, nền kinh tế Châu Âu sẽ gặp khó khăn nếu không có khí đốt tự nhiên của Nga, mặc dù những tác động này sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ sử dụng của từng quốc gia. Bài viết dẫn đánh giá của các nhà phân tích tại Moody's cho rằng, việc cắt giảm toàn bộ nguồn cung năng lượng từ Nga – bao gồm khí đốt và dầu mỏ, sẽ đẩy Châu Âu vào một cuộc suy thoái. 

Trong khi đó, Tổ chức tư vấn Bruegel dự đoán, Châu Âu sẽ thiếu hụt 10% - 15% lượng khí đốt để đáp ứng nhu cầu thông thường nhằm vượt qua mùa đông tới. Theo một số chuyên gia, việc Nga đột ngột ngừng cung cấp khí đốt có thể khiến nhiều cơ sở sản xuất ở Châu Âu phải đóng cửa, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và nguy cơ sa thải hàng loạt nhân công.

Không chỉ tác động đến các nền kinh tế Châu Âu, quyết định của Nga còn gây ra những tác động tiềm tàng đối với kinh tế toàn cầu. Trong bài viết với nhan đề “Nga cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria tác động gì đến thế giới?”, trang mạng NPR dẫn nhận định của nhà phân tích cho rằng, các nước EU không mua khí đốt tự nhiên từ Nga sẽ phải tìm kiếm nguồn cung ở nơi khác. Điều này có thể dẫn đến sự rung chuyển trên thị trường năng lượng toàn cầu, vốn đã chứng kiến giá khí đốt tăng vọt.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng năng lượng Châu Âu có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính lớn hơn. Bởi vì, giá năng lượng tăng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu vốn đang bị kìm hãm bởi lạm phát. Theo giới phân tích, sẽ quá khó cho các nước EU tìm đủ nguồn cung năng lượng thay thế để lấp đầy khoảng trống trong ngắn hạn. Điều này có thể dẫn đến việc phân bổ lại thị trường năng lượng và giá năng lượng, khí đốt tự nhiên cao kỉ lục.

Đinh Giang