Điểm tin quốc tế ngày 25/4: WHO điều tra bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em

Ông Emmanuel Macron tái đắc cử Tổng thống Pháp; Quan chức cấp cao Mỹ tới Ukraine; Trung Quốc xây dựng hệ thống ngăn chặn Tiểu hành tinh, WHO điều tra bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em; Ngành hàng không thế giới sau đại dịch... là những tin quốc tế nổi bật có trong điểm tin quốc tế ngày 25/4/2022.

ÔNG EMMANUEL MACRON TÁI ĐẮC CỬ TỔNG THỐNG PHÁP

Hãng tin Reuters dẫn kết quả sơ bộ cho hay, ông Macron giành 58% số phiếu. Phát biểu sau chiến thắng, ông Macron cam kết sẽ khắc phục những thiếu sót trong nhiệm kỳ trước. Về phần mình, ứng viên cực hữu Marine Le Pen thừa nhận thất bại, song bà khẳng định sẽ tiếp tục chiến đấu trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 6 tới.

QUAN CHỨC CẤP CAO MỸ TỚI UKRAINE

Theo The Guardian, đây là chuyến thăm cấp cao điều tiên của các quan chức Mỹ tới Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2. Trong cuộc gặp lần này, Tổng thống Zelensky tiếp tục kêu gọi viện trợ quân sự từ Mỹ.

TRUNG QUỐC XÂY DỰNG HỆ THỐNG NGĂN CHẶN TIỂU HÀNH TINH

Bài viết trên báo Global Times cho hay, hệ thống giám sát và phòng thủ chống tiểu hành tinh được thiết lập nhằm đối phó với nguy cơ các tiểu hành tinh có thể va vào Trái đất và tác động lên tàu vũ trụ. Theo Cục Không gian Quốc gia Trung Quốc, cơ quan này đang phát triển một phần mềm mô phỏng các tác động có thể xảy ra khi có các cuộc va chạm. Các cuộc diễn tập cho quá trình phòng thủ cũng sẽ được tiến hành. 

WHO ĐIỀU TRA BỆNH VIÊM GAN BÍ ẨN Ở TRẺ EM

Theo Japan Times, căn bệnh viêm gan bí ẩn đã được ghi nhận tại Anh, Mỹ và hơn 10 quốc gia khác trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang cố gắng xác định nguồn gốc của căn bệnh này. Các triệu chứng được xác định là vàng da, tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng. Theo WHO, các loại virus gây ra bệnh viêm gan cấp tính như virus viêm gan A, B, C, D và E chưa được phát hiện trong bất kỳ trường hợp nào.  

NGÀNH HÀNG KHÔNG THẾ GIỚI SAU ĐẠI DỊCH

“Hãy sẵn sàng đối mặt với những chuyến bay đông đúc và giá vé tăng cao dịp hè năm nay.” Đây là tiêu đề và cũng là nội dung của một bài viết trên trang CNN. Theo tác giả bài viết, dịch Covid-19 đã làm gián đoạn hoạt động hàng không trong hai năm liên tiếp, khiến nhiều hãng bay phải vật lộn để duy trì hoạt động kinh doanh. Khi có cơ hội hồi phục thì chi phí nhiên liệu lại tăng cao. 

Bài viết lấy ví dụ, việc tăng 1 USD cho mỗi thùng nhiên liệu máy bay có thể khiến American Airlines mất thêm 95 triệu USD trong 1 năm. Do vậy, các hãng hàng không cũng sẽ tăng giá vé để bù đắp cho phần chi phí nhiên liệu tăng lên. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác, được tác giả lý giải cho dự báo giá vé tăng cao, là do nhu cầu đi lại tăng mạnh, nhưng nguồn cung lại đang hạn chế.  

Sau dịch, hành khách đột ngột quay trở lại quá nhanh khiến các nhà điều hành hàng không và sân bay bị lúng túng. Bài viết trên tờ Financial Times đặt câu hỏi "Các hãng hàng không liệu có sẵn sàng cho sự bùng nổ du lịch trong mùa hè này?”. Theo bài viết, nhu cầu gia tăng khiến ngành hàng không gần như sụp đổ trước áp lực. Nhiều sân bay và hãng hàng không phải vật lộn để xử lý lượng khách hàng ngày càng tăng, đặc biệt sau thời gian các công ty này phải cắt giảm nhân lực trong đại dịch.

Bài viết đưa ra dẫn chứng tại các sân bay như Gatwick, Manchester hay Dublin, khi phải đối mặt với lượng hành khách tăng đột biến, đã dẫn tới tình trạng hàng nghìn người chen chúc tại các nhà ga sân bay, xếp hàng chờ quá lâu, hay phải nhờ tới quân đội để hỗ trợ nhân viên an ninh. 

Vấn đề thiếu nhân lực cũng được tờ New York Times đề cập trong bài viết mang tiêu đề “Du lịch hàng không trở lại, ngành công nghiệp hàng không liệu có theo kịp?”. Bài viết nhận định tình trạng thiếu nhân sự sẽ kìm hãm sự phục hồi và kiềm chế tham vọng của các hãng bay. Nhu cầu đi lại bằng máy bay đang gia tăng trở lại, là cơ hội cho ngành hàng không nhưng còn nhiều vấn đề phải giải quyết để tận dụng được cơ hội này. 

Anh Tuấn