Điểm tin quốc tế sáng 11/03: Nga chính thức rút khỏi Hội đồng Châu Âu

Nga chính thức rút khỏi hội đồng Châu Âu; Thế giới đối mặt với cú sốc năng lượng; Hong Kong (Trung Quốc): Làn sóng Covid-19 thứ 5 sắp đạt đỉnh; Anh đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động hậu Covid-19 ... là những tin tức quốc tế đáng chú sáng ngày 11/03/2022.

Nga chính thức rút khỏi hội đồng Châu Âu

Bộ  Ngoại giao Nga tuyên bố, nước này không còn tham gia vào Hội đồng châu Âu, cơ quan vốn được thành lập để đối phó với những vi phạm nhân đạo thời Thế chiến II.

Theo cơ quan ngoại giao Nga, các nước thuộc NATO và Liên minh châu Âu đã phá vỡ chức năng của cơ quan châu Âu về duy trì nhân quyền, pháp quyền và dân chủ. Nga gia nhập Hội đồng châu Âu năm 1996, song tới ngày 25/2/2022 - một ngày sau khi Nga  phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, quyền đại diện của Nga tại tổ chức này đã bị đình chỉ. Tuy nhiên, sự hiện diện của Nga tại Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) - cũng là một thực thể thuộc Hội đồng châu Âu - vẫn được bảo toàn.

Thế giới đối mặt với cú sốc năng lượng

Cuộc xung đột  Nga - Ukraine và việc phương Tây gia tăng trừng phạt Nga đã khiến nền kinh tế thế giới hứng chịu một cú sốc năng lượng lớn. Các chuyên gia nhận định, cuộc khủng hoảng có thể khiến 3 triệu thùng dầu/ngày của Nga không thể xuất khẩu qua đường biển.

Hồi đầu tuần này, chính phủ Mỹ đã thông báo lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga, trong khi Anh cam kết sẽ loại bỏ dần nguồn nhập khẩu dầu này vào cuối năm nay. Nếu tình trạng này tiếp diễn, thì đây sẽ là một trong 5 lần gián đoạn lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2. Các công ty nghiên cứu năng lượng đưa ra cảnh báo, nếu các quốc gia phương Tây khác tiếp bước Mỹ và cấm vận dầu của Nga, giá dầu thô có thể tăng vọt lên tới 240 USD/thùng vào mùa hè này.

Ngay cả khi dự trữ dầu được giải phóng khẩn cấp, sản lượng dầu cao hơn từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ hay khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran và Venezuela, thì thị trường dầu thế giới cũng sẽ không thể “có vùng đệm" và giá dầu không ngừng tăng cao. Những thiệt hại đối với nền kinh tế và người tiêu dùng sẽ là khó tránh khỏi.

Hong Kong (Trung Quốc): Làn sóng Covid-19 thứ 5 sắp đạt đỉnh

Trong ngày hôm qua, chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) cho biết đã ghi nhận hơn 31 nghìn ca mắc mới COVID-19. Theo các quan chức y tế Hong Kong, làn sóng lây nhiễm thứ 5 của đại dịch COVID-19 tại Hong Kong có thể đã đạt đỉnh.

Tham khảo số liệu của hai tuần qua, từ ngày 2-4/3, tức là vào lúc cao điểm của dịch bệnh, tại Hong Kong đã có trên 50.000 ca/ngày, sau đó giảm xuống 30.000 ca/ngày trong các ngày tiếp theo. Theo ông Âu Gia Vinh, Trưởng khoa bệnh Truyền nhiễm thuộc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe Sở Y tế Hong Kong, số liệu được báo cáo thông qua xét nghiệm nhanh có thể hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc phân tích và phán đoán tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, ông kêu gọi công chúng không vì số ca mắc có xu hướng giảm mà xem nhẹ dịch bệnh và vẫn phải duy trì ý thức phòng dịch.

Trong một diễn biến khác liên quan, phát biểu tại cuộc họp báo sáng 10/3, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết hiện tại chưa phải là thời điểm để thành phố này dỡ bỏ lệnh cấm đối với các chuyến bay đến từ 9 quốc gia gồm Australia, Canada, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Philippines, Anh, Mỹ và Nepal. Theo bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Hong Kong sẽ mở cửa trở lại sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Hiện tại, làn sóng lây nhiễm thứ 5 tại Hong Kong vẫn đang diễn biến phức tạp.

Anh đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động hậu Covid-19

Khi nền kinh tế mở cửa trở lại hậu đại dịch COVID-19, cũng là lúc các quốc gia trên thế giới phải đối mặt với một thách thức lớn. Đó là tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Và Anh cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, thiếu hụt lao động cũng đồng thời mở ra cơ hội việc làm mới cho nhiều đối tượng khác, đặc biệt là những người vô gia cư tại Anh.

Khi nhận bằng tốt nghiệp ngay giữa đại dịch COVDI-19 hồi năm ngoái, Zara Asamoah thậm chí còn không có nơi ở cố định, và đương nhiên cơ hội tìm kiếm việc làm của cô lúc bấy giờ cũng rất mong manh. Tuy nhiên, đến nay tình trạng đó đã thay đổi. Asamoah hiện đang làm việc tại một công ty điều hành đường sắt ở London, và đã có cho mình một chỗ ở tươm tất hơn. 

Điều mang đến cơ hội đổi đời cho Asamoah chính là do tình trạng thiếu hụt lao động tại Anh sau khi mở cửa trở nền kinh tế hậu COVID-19, cũng là tình trạng chung trên toàn cầu. Sự thiếu hụt lao động sau đại dịch tại nhiều thị trường đang khiến các ngân hàng trung ương tỏ ra lo ngại, bởi điều này có khả năng đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. 

Tại Anh, vấn đề thiếu hụt lao động càng trở nên  nghiêm trọng hơn do lực lượng lao động đến từ các nước châu Âu đã sụt giảm mạnh sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Chưa bao giờ các công ty tại Anh phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân sự như thời điểm này. 

ALEX STEPHANY, Giám đốc điều hành tổ chức BEAM: “Các công ty cởi mở hơn trước những nguồn nhân tài mới. Và nếu họ có thể đáp ứng nhu cầu nhân công của mình bằng cách tuyển dụng có đạo đức, đa dạng, đóng góp những điều tốt đẹp cho xã hội. Chúng tôi nghĩ đó là một điều tuyệt vời”.

Đó cũng là lí do mà các nhà tuyển dụng tại Anh hiện đang cân nhắc nhiều đối tượng người lao động mới, đơn cử như những người vô gia cư hoặc những người trước đây từng là tội phạm. Mặc dù khó có thể xác định chính xác đã có bao nhiêu người vô gia cư đang được nhận vào làm việc, tuy nhiên, rõ ràng đây là nguồn lao động có tiềm năng rất lớn, đặc biệt là trong giai đoạn phục hồi nền kinh tế hậu đại dịch COVID-19.

Ngọc Thùy