Điểm tin quốc tế tối 18/03: Nga ra điều kiện với Ukraine

Nga nêu điều kiện Ukraine giữ quy chế trung lập và không gia nhập NATO; Mỹ giữ nguyên quan điểm không thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine; Dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine covid-19: Bước đột phá phổ biến vaccine giá rẻ; Nhiều nước tăng cường hỗ trợ nền kinh tế khi giá cả leo thang; EU ủng hộ kế hoạch áp thuế phát thải carbon hàng hóa nhập khẩu ... là những tin tức quốc tế đáng chú ý tổi 18/03/2022.

Nga nêu điều kiện Ukraine giữ quy chế trung lập và không gia nhập NATO

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu ra những điều kiện để đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Trong đó có điều kiện Ukraine giữ quy chế trung lập và không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)

Người phát ngôn và cố vấn hàng đầu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin cho biết yêu cầu từ phía Nga tập trung vào 2 nhóm vấn đề. Thứ nhất, Moskva yêu cầu Kiev giữ quy chế trung lập và không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong số các vấn đề khác có việc Ukraine giải trừ quân bị và bảo vệ tiếng Nga ở Ukraine. Thứ hai, Tổng thống Putin cho rằng cần có các cuộc gặp trực tiếp giữa ông và người đồng cấp Ukraine Vlodymyr Zelensky trước khi hai bên có thể đạt được một thỏa thuận về những vấn đề trên. Ông Kalin không nêu cụ thể các điều kiện của Nga ở nhóm vấn đề này là gì, nhưng cho biết có liên quan đến quy chế của vùng Donbas, miền Đông Ukraine, cũng như Nga yêu cầu Ukraine chính thức công nhận Crưm là một phần thuộc Nga.

Trong các phát biểu mới đây, Tổng thống Ukraine Zelensky từng khẳng định sẵn sàng gặp trực tiếp người đồng cấp Nga, cũng như thừa nhận Ukraine không thể gia nhập NATO.

Mỹ giữ nguyên quan điểm không thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine

Bất chấp lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky về việc thiết lập vùng cấm bay, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn giữ nguyên quan điểm không thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine khi cho rằng hành động này sẽ dẫn đến nguy cơ xảy ra cuộc chiến quy mô lớn hơn với Nga.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki: “Việc thiết lập vùng cấm bay sẽ cần các hành động thực thi. Khi đó, Mỹ có thể sẽ phải bắn hạ máy bay Nga, NATO cũng có thể sẽ phải bắn hạ máy bay của nước này. Mỹ không muốn tham gia Chiến tranh Thế giới Thứ ba.”

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết việc thực thi vùng cấm bay ở Ukraine có nghĩa là 'đang xung đột với Nga' và quan điểm của Mỹ là không làm điều đó.

Ông LLOYD AUSTIN, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: "Từ quan điểm của Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã nói rõ rằng chúng tôi sẽ không có lực lượng Mỹ tham chiến ở Ukraine. Chúng tôi cũng đã tuyên bố rằng việc thực thi vùng cấm bay thực sự có nghĩa là bạn đang chiến đấu với Nga. Và đó là một trong những điều tổng thống của chúng tôi đã nói, đó là chúng tôi sẽ không gây chiến với Nga.”

Thay vì thiết lập vùng cấm bay, Tổng thống Mỹ Biden đã công bố gói hỗ trợ an ninh bổ sung 800 triệu USD cho Ukraine, trong đó có máy bay không người lái và hệ thống phòng không.

Dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine covid-19: Bước đột phá phổ biến vaccine giá rẻ

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đạt được đột phá giữa EU, Mỹ, Ấn Độ, Nam Phi về từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng COVID-19. Theo đó, các bên thống nhất lập trường nhằm tháo gỡ những bế tắc liên quan đến việc bãi bỏ bản quyền vaccine ngừa COVID-19, đề xuất đã được đệ trình lên Tổ chức Thương mại thế giới 18 tháng trước.

Mỹ, Liên minh châu Âu, Ấn Độ và Nam Phi đã đạt được đồng thuận về các yếu tố chính của việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin ngừa COVID-19. Đây là một bước tiến lớn trong nỗ lực chấm dứt bế tắc tại cơ quan thương mại toàn cầu. Một số yếu tố của thỏa thuận đồng thuận, bao gồm cả thời gian của việc bãi bỏ bằng sáng chế sẽ là ba năm hay năm năm, vẫn cần được hoàn thiện. 

Thỏa hiệp này là kết quả của nhiều giờ đàm phán kéo dài và khó khăn. WTO cho biết, còn nhiều việc phải làm để đảm bảo rằng thỏa hiệp nhận được sự ủng hộ của toàn bộ thành viên. Nếu được tất cả các thành viên WTO ủng hộ thông qua, các quốc gia có thể cho phép nhà sản xuất trong nước sản xuất vaccine mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu bằng sáng chế. Thỏa thuận mới chỉ bao gồm dỡ bỏ quyền sáng chế vaccine ngừa COVID-19, về cơ bản khác xa nhiều so với đề xuất ban đầu do Ấn Độ và Nam Phi đưa ra, với mục tiêu bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19, phương pháp điều trị hay chẩn đoán COVID-19. Quyết định cũng chỉ được áp dụng cho các nước là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới, với xuất khẩu dưới 10% lượng xuất khẩu vaccine của toàn thế giới trong năm 2021 cũng như có đủ điều kiện về thành phần và quy trình cần thiết để sản xuất vaccine. Ngoài ra, thỏa thuận cũng không bao gồm chuyển giao công nghệ và bí mật thương mại.

Nhiều nước tăng cường hỗ trợ nền kinh tế khi giá cả leo thang

Trong bối cảnh giá cả gia tăng nhanh chóng, chính phủ nhiều nước trên thế giới đã tăng cường hỗ trợ người dân và nền kinh tế. Hạn chế việc tăng giá xăng và điện, duy trì gói kích thích kinh tế quy mô lớn nằm trong số những biện pháp được triển khai. 
(5048) Chính phủ Pháp đã đưa ra các biện pháp mới để giúp các hộ gia đình, công ty, nông dân và ngư dân đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế từ cuộc xung đột giữa Nga vào Ukraine.

Thủ tướng Pháp JEAN CASTEX: "Chúng ta phải chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng lâu dài. Chúng ta phải chuẩn bị nhanh chóng các biện pháp để hạn chế tác động đến các công ty, việc làm và sức mua của chúng ta."

Trong số các biện pháp mới, ông Castex cho biết chính phủ sẽ chi trả hơn một nửa chi phí do các công ty tăng hóa đơn điện và khí đốt để giúp giảm bớt những tổn thất mà người dân có thể phải gánh chịu. Các công ty đang gặp khó khăn với giá năng lượng cao hoặc mất thị trường xuất khẩu sẽ có thể được hoãn nộp thuế.

Còn tại Hy Lạp, người tiêu dùng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi chi phí năng lượng tăng cao, và chính phủ cho biết sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Người dân Hy Lạp: "Giá nhiên liệu có vẻ cao đối với tôi vào lúc này và chúng thực sự gây ra căng thẳng cho tất cả chúng tôi"

Người dân Hy Lạp: "Chúng tôi vừa mở một cửa hàng mới và tiền điện nếu trước đây là 1000 euro thì bây giờ là 2.500 euro. Đó là quá nhiều cho một doanh nghiệp"

Hy Lạp sẽ chi thêm 1,1 tỷ euro nữa để giảm bớt gánh nặng cho người dân, trong đó có trợ cấp hóa đơn điện, giảm giá nhiên liệu hàng tháng, và hỗ trợ tài chính cho các nhóm dễ bị tổn thương. 

Trong khi đó tại châu Á, chính phủ Philippines cũng đã tăng cường trợ cấp cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng khi giá nhiên liệu tăng vọt đang gây áp lực ngày càng lớn lên sinh kế của người dân.

Người dân Philippines: "Giá đã tăng trong 11 tuần, tăng 30 đến 40%. Chúng tôi đã mất rất nhiều khách hàng vì tài xế không đến sau khi giá tăng".

Chính phủ Philippines đã bắt đầu ban hành trợ cấp nhiên liệu cho lĩnh vực giao thông vận tải. Hơn 370.000 tài xế chở khách sẽ nhận được 6.500 peso mỗi người (khoảng 120 đô la Mỹ). Ngoài ra, Bộ Ngân sách và Quản lý Philippines đã phân bổ 3 tỷ peso (khoảng 57 triệu đô la Mỹ) cho ngành giao thông vận tải và nông nghiệp để giải quyết những khó khăn hiện tại.

EU ủng hộ kế hoạch áp thuế phát thải carbon hàng hóa nhập khẩu

Các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ kế hoạch áp thuế phát thải CO2 đối với hàng hóa nhập khẩu gây ô nhiễm - một hình thức đánh thuế carbon xuyên biên giới. Đây sẽ là loại thuế đầu tiên trên thế giới, dù kế hoạch chi tiết sẽ cần được hoàn thiện trong các cuộc đàm phán sắp tới.

Theo kế hoạch, từ năm 2026, EU sẽ áp thuế phát thải khí CO2 đối với các mặt hàng nhập khẩu gây ô nhiễm, ví dụ như thép, xi măng, phân bón, nhôm và điện. Công nghệ bây giờ đã cho phép xác định khá chính xác, sản xuất ra một sản phẩm sẽ thải ra bao nhiêu lượng CO2. Các sản phẩm nhập khẩu sẽ phải mua giấy phép ô nhiễm từ hệ thống thương mại khí thải của EU căn cứ vào lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất. Chính sách xuyên biên giới sẽ tạo sân chơi bình đẳng khi áp cùng mức thuế phát thải CO2 đối với các công ty trong và ngoài EU. Việc châu Âu áp thuế carbon sẽ thúc đẩy doanh nghiệp nước ngoài phải chủ động cải tiến quy trình sản xuất nhằm giảm lượng khí thải. Cơ chế thuế phát thải sẽ là một nguồn thu mới cho ngân sách châu Âu, ước tính từ 5-14 tỷ Euro mỗi năm.

Nhiều nước Đông Nam Á đồng loạt mở cửa đón du khách

Trong những ngày gần đây, các thiên đường du lịch của Đông Nam Á đang tiếp tục mở cửa trở lại, dỡ bỏ hàng loạt biện pháp phòng ngừa COVID-19 để thu hút nhiều du khách hơn.

Tại Indonesia, chính phủ sẽ điều chỉnh chính sách chống dịch COVID-19 vào ngày 21/3 với tuyên bố hủy bỏ các biện pháp kiểm dịch đối với khách du lịch quốc tế trong tháng 4 hoặc sớm hơn, sau khi áp dụng thử ở Bali. 
Philippines và Malaysia cũng sẽ cho phép tất cả du khách đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19 được nhập cảnh mà không cần cách ly y tế kể từ ngày 1/4.

 Singapore cũng đề ra mục tiêu sớm mở cửa cho những khách du lịch tiêm phòng đầy đủ, như một phần của nỗ lực khôi phục lượng khách quốc tế lên mức ít nhất 50% của thời trước đại dịch trong năm nay. 

Trong khi những quốc gia kể trên vẫn yêu cầu xét nghiệm COVID-19 trước hoặc sau khi nhập cảnh, Thái Lan đang cân nhắc loại bỏ quy định này để thúc đẩy hơn nữa ngành “xương sống” du lịch. Hiện tại, Campuchia cũng đã bỏ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 trước và sau khi nhập cảnh.

Vân Hương