Điểm tin quốc tế tối 19/3: Tổng thống Ukraine kêu gọi Nga đàm phán hòa bình toàn diện

Tổng thống Ukraine kêu gọi Nga đàm phán hòa bình toàn diện; Tổng thống Syria thăm UAE sau 11 năm; An ninh lương thực toàn cầu đang bị đe dọa; NASA bác bỏ lo ngại về hợp tác vũ trụ Mỹ - Nga; Chuỗi cung ứng chip trên thế giới tiếp tục gặp khó; Italia: Thử nghiệm điều khiển robot từ xa ... là những tin tức quốc tế đáng chú ý tối 19/3/2022.

Tổng thống Ukraine kêu gọi Nga đàm phán hòa bình toàn diện

Xung đột tại Ukraine đã bước sang ngày thứ 24. Thế giằng co vẫn tiếp diễn. Một thông tin đáng quan tâm được phía Nga đưa ra là việc sử dụng tên lửa siêu vượt âm để tấn công mục tiêu ở Ukraine. Đây là loại vũ khí mệnh danh là có khả năng thay đổi cuộc chơi, làm dấy lên phỏng đoán liệu việc triển khai tên lửa siêu vượt âm có mang tới bước ngoặt trong cuộc xung đột hay không. Kể từ vòng đàm phán thứ 4 diễn ra 5 hôm trước, chưa có thêm cuộc đối thoại nào được tổ chức. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy mới đây đã lên tiếng kêu gọi Nga đàm phán hòa bình mà không trì hoãn nữa.  

Xuất hiện trong 1 phát biểu trực tuyến, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelenskiy đã thể hiện quan điểm muốn có những cuộc đàm phán hoà bình và an ninh với phía Nga hướng đến chấm dứt xung đột hiện nay. 

Tổng thống Ukraine VOLODYMIR ZELENSKIY: "Các cuộc đàm phán về hòa bình, về an ninh cho chúng tôi, cho Ukraine là rất quan trọng, và không được có sự chậm trễ. Đây là cơ hội duy nhất để Nga giảm thiểu tác hại từ những sai lầm của chính mình. Chúng tôi luôn nhấn mạnh vào các cuộc đàm phán, chúng tôi luôn đề nghị đối thoại, đưa ra giải pháp hòa bình. Tôi muốn mọi người nghe tôi nói bây giờ, đặc biệt là ở Moscow - đã đến lúc phải gặp mặt, đã đến lúc nói chuyện. đã đến để khôi phục toàn vẹn lãnh thổ và công lý cho Ukraine.” 

Tuyên bố của tổng thống Ukraine đưa ra trong bối cảnh vòng đàm phán thứ 4 kết thúc 5 hôm trước mà không có đột phá. 2 bên chưa có kế hoạch tổ chức thêm các cuộc gặp. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga ra tuyên bố quân đội nước này đã sử dụng tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal tại Ukraine. Mục tiêu là phá hủy “một nhà kho dưới lòng đất chứa tên lửa và đạn dược hàng không ở làng Deliatyn". Đây là lần đầu tiên Nga sử dụng hệ thống tên lửa này trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tên lửa siêu thanh Kinzhal được cho là có thể xuyên thủng bất kỳ hệ thống phòng không nào hiện nhờ di chuyển với tốc độ cực đại lên tới Mach 10 và liên tục cơ động trong suốt hành trình bay.

Tổng thống Syria thăm UAE sau 11 năm

Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã có chuyến thăm tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), lần đầu tiên kể từ khi nổ ra xung đột tại Syria vào năm 2011. 

Lãnh đạo Syria, UAE đã thảo luận về 1 số vấn đề cả 2 bên đang quan tâm như toàn vẹn lãnh thổ Syria, và việc rút các lực lượng nước ngoài ra khỏi đất nước này. Cuộc gặp giữa 2 bên mang tới triển vọng mở rộng hợp tác song phương, đặc biệt là ở cấp độ kinh tế, đầu tư và thương mại trong tương lai. Trước đó. các dấu hiệu cho thấy mối quan hệ hợp tác giữa Syria và các quốc gia A Rập đã được cải thiện vào năm ngoái, bao gồm một cuộc điện đàm với Quốc vương Abdullah của Jordan.

An ninh lương thực toàn cầu đang bị đe dọa

Kể từ khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine, giá các loại lương thực đã bắt đầu tăng cao hơn cả mức ghi nhận trong thời kỳ tăng giá đột biến trong những năm 2007 và 2010. Chương trình Lương thực Thế giới cảnh báo, an ninh lương thực toàn cầu hiện đang bị đe dọa. 

Lần lượt là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất và lớn thứ tư thế giới, Nga và Ukraine xuất khẩu tới 29% sản lượng lúa mì trên toàn cầu. Do đó, hai quốc gia này nắm vai trò vô cùng quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh lương thực của nhiều quốc gia trên thế giới.

Ông JAKOB KERN, Điều phối viên khẩn cấp của WPF: “Với giá lương thực toàn cầu ở mức cao nhất mọi thời đại, chúng tôi quan ngại về tác động của xung đột Ukraine đối với an ninh lương thực toàn cầu, đặc biệt là tại các điểm nóng về nạn đói. Hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine đang lan tỏa ra bên ngoài, gây ra làn sóng đói nghèo trên toàn cầu.”  

Các quốc gia đang phát triển tại châu Á hay châu Phi là nơi phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn cả bởi một lượng lớn nguồn cung lương thực thực phẩm của các nước này tới từ Nga hay Ukraine.

Ông MAXIMO TORERO, Chuyên gia kinh tế trưởng của FAO: "Nếu xung đột phá hủy cơ sở hạ tầng, hậu cần, cảng, đường bộ ở Ukraine, khiến cho các hoạt động canh tác tại nước này bị đình trệ, thì chúng ta sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng cho vụ mùa năm tới.”

Theo Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương, giá thực phẩm và nhiên liệu toàn cầu đã tăng mạnh kể từ khi bắt đầu xung đột, đạt mức cao nhất mọi thời đại trong tháng 2/2022. Tăng giá đặc biệt nhiều là dầu thực vật, ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa. Đây đều là những sản phẩm vô cùng thiết yếu trên bàn ăn của người dân nhiều nước trên thế giới.

NASA bác bỏ lo ngại về hợp tác vũ trụ Mỹ - Nga

Bất chấp quan hệ Nga, Mỹ đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm, hợp tác trong không gian giữa 2 nước vẫn được duy trì. Đây là khẳng định của Giám đốc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA). 

Mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa Mỹ và Nga trong không gian đang được thử thách ở một tầm cao mới. Tuy nhiên, giám đốc NASA vẫn bày tỏ tin tưởng đối với lịch sử hợp tác không gian lâu dài giữa Mỹ và Nga. 

Ông BILL NELSON, Giám đốc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA): "Đúng là chúng tôi có 1 số vấn đề với Tổng thống Nga Putin trên phạm vi trái đất. Tuy nhiên, đó là chuyện ở Trái đất. Một khi đã tiến vào không gian, tham gia vào một chương trình không gian chung, các phi hành gia đều có sự chuyên nghiệp tuyệt đối. Tôi hy vọng điều này vẫn sẽ được phát huy”. 

Phát biểu của giám đốc NASA được đưa ra chỉ vài giờ sau khi NASA triển khai tên lửa Hệ thống Phóng Không gian (SLS) cao 32 tầng và khoang phi hành đoàn Orion, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong kế hoạch thăm dò Mặt Trăng mới sau nhiều năm.

Chuỗi cung ứng chip trên thế giới tiếp tục gặp khó

Một số công ty sản xuất chip của Nhật Bản đã phải đình chỉ hoạt động sản xuất sau trận động đất độ lớn 7,4 độ xảy ra đêm 16/3 tại khu vực Đông Bắc nước này. Theo các chuyên gia, việc ngừng sản xuất hiện tại là một đòn giáng mới đối với ngành công nghiệp chip thế giới, vốn vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt linh kiện do đại dịch Covid-19, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất ô tô và thiết bị điện tử trên khắp thế giới.

Sau trận động đất lớn đêm 16/3 tại Nhật Bản, Renesas - công ty sản xuất gần một phần ba bộ vi điều khiển được sử dụng trong ô tô trên toàn thế giới, cho biết họ đã tạm ngừng sản xuất tại hai nhà máy và tạm ngừng sản xuất một phần ở một nhà máy khác. Trong khi đó, nhà cung cấp tụ điện gốm hàng đầu thế giới sử dụng cho smartphone, máy tính và ô tô Murata cho biết họ đã đình chỉ bốn nhà máy sau trận động đất. Một trong những tập đoàn nổi tiếng nhất của Nhật Bản Sony cho biết họ đã ngừng sản xuất tại hai nhà máy ở tỉnh Miyagi và nhà máy thứ ba ở tỉnh Yamagata, nơi sản xuất bộ nhớ lưu trữ, điốt laser và cảm biến hình ảnh.

Dù sự tham gia của Nhật Bản vào chuỗi cung ứng điện tử tiêu dùng không còn mạnh mẽ như trước đây nhưng một số nhà sản xuất của Nhật Bản vẫn đóng vai trò quan trọng trong thị trường ngách chuyên biệt. Giới chuyên gia nhận định, trận động đất hôm 16/3 vừa qua có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu chip điện tử hiện tại trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành suốt 2 năm qua. 

Italia: Thử nghiệm điều khiển robot từ xa

Việc điều khiển thành công một robot hoạt động ở thành phố Venice từ  phòng thí nghiệm ở cách xa 300km tại Genoa đã giúp các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Italia đạt được những bước tiến đầu tiên trong công nghệ đồng bộ hóa con người với vật đại diện, đặc biệt là ở khoảng cách xa. Nghiên cứu này hứa hẹn mang đến nhiều ứng dụng hữu ích trong cuộc sống, từ du lịch, y tế, đến khắc phục hậu quả thiên tai.  

Nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Italia đã sử dụng một robot hình người có tên gọi iCub như một vật thể đại diện để khám phá không gian triển lãm nghệ thuật Venice Biennale mà không cần rời khỏi phòng thí nghiệm.

Ông DANIELE PUCCIA, Phòng thí nghiệm Trí tuệ Nhân tạo và Cơ khí (IIT): Nhờ nghiên cứu và công nghệ  mới, chúng tôi đã có thể đồng bộ hóa con người với vật thể đại diện tương ứng của họ ở khoảng cách xa tới 300km chỉ nhờ vào một mạng cáp quang đơn giản”.

Các nhà nghiên cứu cho biết hệ thống này có thể mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành du lịch. Khi con người có thể du lịch từ xa, sử dụng những vật thể đại diện để khám phá thế giới thực, trong khi không cần phải rời nơi họ sinh sống.

Đối với thí nghiệm này của các nhà khoa học Viện Công nghệ Italia, các chuyển động, nét mặt và giọng nói của con người được gửi đến robot để đưa ra các phản hồi về thị giác, thính giác và xúc giác.

Ông DANIELE PUCCIA, Phòng thí nghiệm Trí tuệ Nhân tạo và Cơ khí (IIT): “Chúng tôi đã có thể tích hợp các công nghệ hiện có như găng tay xúc giác để cảm nhận, nền tảng ảo để theo dõi bước đi và tai nghe để theo dõi biểu cảm khuôn mặt và mang lại một số phản hồi trực quan cho người điều khiển".

Ngoài các ứng dụng tiềm năng cho ngành du lịch, các nhà nghiên cứu cho biết hệ thống này còn có thể được sử dụng trong chăm sóc sức khỏe con người, khắc phục hậu quả thiên tai hoặc hỗ trợ cho cuộc sống của những người khuyết tật.

Bùi Thảo