Điểm tin quốc tế tối 24/03: Hội nghị thượng đỉnh tại Brussels tìm kiếm giải pháp cho xung đột Ukraine

Hội nghị thượng đỉnh tại Brussels tìm kiếm giải pháp cho xung đột Ukraine; Ukraine nêu điều kiện đàm phán về Crimea và Donbass; Thị trường khí đốt chao đảo sau quyết định của Nga; Trung Quốc: Tiếp tục tìm kiếm hộp đen thứ 2 của máy bay gặp nạn; Triển vọng khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran ... là những tin tức quốc tế đáng chú ý tối 24/03/2022.

Hội nghị thượng đỉnh tại Brussels tìm kiếm giải pháp cho xung đột Ukraine

Trong ngày 24/3, nguyên thủ các quốc gia phương Tây tiến hành liên tiếp ba Hội nghị Thượng đỉnh tại Brussels, nhằm gia tăng sức ép lên phía Nga bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế, đồng thời thảo luận tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài suốt 1 tháng qua tại Ukraine.

Mở màn chuỗi các hoạt động ngoại giao trong ngày 24/3 là hội hội nghị Thượng đỉnh khẩn cấp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO với sự tham dự trực tiếp của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Đây là cuộc họp cấp cao trực tiếp đầu tiên của những lãnh đạo NATO kể từ khi giao tranh nổ ra tại Ukraine cách đây tròn 1 tháng.

Ông JENS STOLTENBERG, Tổng thư ký NATO: “Cuộc gặp ngày hôm nay sẽ chứng tỏ tầm quan trọng của việc Bắc Mỹ và châu Âu sát cánh cùng nhau để đối mặt với cuộc khủng hoảng này. Chúng tôi là liên minh mạnh nhất trên thế giới và chỉ cần chúng tôi sát cánh cùng nhau thì chúng tôi đều được an toàn. Chúng tôi cũng sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không tiên tiến, vũ khí chống tăng, đạn dược và nhiên liệu, nhưng chúng tôi sẽ không gửi quân đội NATO vào lãnh thổ Ukraine. Chúng tôi làm điều đó vì chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo rằng cuộc xung đột này không leo thang vượt ra ngoài lãnh thổ Ukraine.”

Ngoài việc gia tăng các trợ giúp quân sự cho chính quyền Ukraine, các nước NATO cũng sẽ phải thảo luận một loạt các thách thức lớn, trong đó có đòi hỏi đang có xu hướng gia tăng từ một số nước thành viên rằng NATO cần có các biện pháp quân sự mạnh mẽ hơn để ứng phó với Nga.

Tiếp nối hội nghị Thượng đỉnh khẩn cấp của NATO, là cuộc họp Thượng đỉnh G7, quy tụ 7 nước công nghiệp phát triển là Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Italia, Canada và Nhật Bản. Nội dung thảo luận chính của G7 là các biện pháp trừng phạt tiếp theo mà các nước phương Tây dự kiến áp dụng với Nga, cũng như thảo luận về các chính sách nhằm tránh khủng hoảng năng lượng.

Ông JAKE SULLIVAN, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ: “Tổng thống Biden sẽ cùng các đối tác áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga và siết chặt các biện pháp trừng phạt hiện có. Tổng thống cũng sẽ làm việc với các đồng minh để đưa ra điều chỉnh dài hạn đối với Lực lượng NATO ở sườn phía Đông. Tổng thống cũng ra tuyên bố hành động chung nhằm tăng cường an ninh năng lượng của châu Âu và giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga về lâu dài.”

Sau phiên họp G7, ông Joe Biden tiếp tục tham dự và phát biểu tại Thượng đỉnh EU. Khúc mắc lớn nhất hiện nay giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu là việc Mỹ đang gây sức ép buộc châu Âu ngay lập tức cấm vận năng lượng Nga, tức chấm dứt việc nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt và than đá từ Nga. Tuy nhiên, đây được xem là nhiệm vụ khó khăn với một số nước châu Âu vào thời điểm này.

Ukraine nêu điều kiện đàm phán về Crimea và Donbass

Trong một diễn biến đáng chú ý khác. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẵn sàng thảo luận về tình hình Cờ-rưm và các nước cộng hòa tự xưng ở Đôn-bát với một điều kiện tiên quyết.

Theo Trưởng đoàn đàm phán hòa bình của Ki-ép, tổng thống Ukraine sẽ ngồi vào bàn đàm phán sau khi nhận được sự đảm bảo về an ninh. Nhà đàm phán Ukraine tin tưởng những vấn đề này có thể được giải quyết tại cuộc gặp trong tương lai giữa hai tổng thống.

Trước đó, Tổng thống Zelensky cho rằng tiến trình đàm phán giữa hai quốc gia đang gặp vấn đề. Theo ông, bước đầu tiên để hai bên tìm ra giải pháp chung là phải đưa ra đảm bảo an ninh và chấm dứt xung đột. Ông Zelensky dự định thảo luận về những mối quan tâm này trong cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Putin. Giới chuyên gia cho rằng, tại thời điểm hiện nay, chính phủ Nga sẽ chỉ cung cấp đảm bảo về an ninh nếu Ki-ép đáp ứng các yêu cầu mà Mát-cơ-va đưa ra.

Thị trường khí đốt chao đảo sau quyết định của Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa đưa ra quyết định lịch sử khi tuyên bố Mát-cơ-va sẽ chỉ chấp nhận thanh toán tiền xuất khẩu khí đốt cho các quốc gia không thân thiện bằng đồng rúp. Động thái này đã ngay lập tức khiến thị trường khí đốt của châu Âu chao đảo, trong khi tỷ giá đồng rúp tăng so với USD và euro. 

Trong một quyết định được cho là lịch sử, Tổng thống Putin tuyên bố, Nga sẽ chỉ chấp thuận thanh toán bằng đồng ruble cho các hợp đồng chuyển khí đốt tới các nước "những nước không thân thiện”, trong đó có tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), sau khi Mát-cơ-va phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt chưa từng có từ phương Tây liên quan vấn đề Ukraine.

Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN: "Những thay đổi sẽ chỉ ảnh hưởng đến đơn vị tiền tệ thanh toán, theo đó sẽ được đổi thành đồng rúp của Nga. Tôi yêu cầu chính phủ chỉ thị cho Gazprom thực hiện các thay đổi tương ứng đối với các hợp đồng khí đốt. Tôi yêu cầu chính phủ và Ngân hàng Trung ương đưa ra giải pháp để triển khai hệ thống thanh toán mới trong vòng một tuần.”

Ngay sau tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga, đồng ruble - vốn mất giá nghiêm trọng kể từ khi xảy ra xung đột ở Ukraine - đã tăng giá so với đồng USD và đồng euro, trong khi giá khí đốt tăng. Cụ thể, Giá khí đốt ở một số quốc gia của châu Âu đã tăng tới 30%. Giá dầu trên thị trường thế giới cũng tăng gần 5%. Hiện khí đốt từ Nga chiếm khoảng 40% tổng lượng tiêu thụ ở châu Âu. Lượng khí đốt nhập khẩu của EU từ Nga trị giá trong khoảng 200 triệu-800 triệu euro/ngày.

Trung Quốc: Tiếp tục tìm kiếm hộp đen thứ 2 của máy bay gặp nạn

Sau khi tìm thấy hộp đen thứ nhất, hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm hộp đen thứ 2 của chiếc máy bay Boeing 737 gặp nạn tại thành phố Ngô Châu thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Tuy nhiên, mưa liên tục đang cản trợ công tác tìm kiếm.

Ngày thứ ba sau vụ tai nạn thảm khốc, lực lượng cứu hộ đang tiến hành mở rộng phạm vi tìm kiếm hộp đen thứ 2 của chiếc máy bay xấu số. Một trong những hộp đen, được cho là thiết bị ghi âm buồng lái, đã được tìm thấy ngày 23/3.

Mặc dù khu vực tìm kiếm trung tâm có diện tích bằng một nửa sân bóng đá, nhưng diện tích tìm kiếm thực tế lên tới hơn 20.000 mét vuông. Lực lượng tìm kiếm đã sử dụng các công cụ cầm tay, máy dò kim loại, máy bay không người lái, chó nghiệp vụ để rà soát ở khu vực hiện trường vụ rơi máy bay. Đây vốn là khu vực rừng núi rậm rạp với các sườn dốc cao. Ví, giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng và thi thể người trong vụ rơi máy bay đã được phát hiện. Khôi phục hộp đen máy bay, được coi là chìa khóa để tìm ra nguyên nhân gây ra vụ tai nạn.

Triển vọng khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran

Trong tuyên bố mới nhất, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Adollahian cho biết, tất cả các bên tham gia đàm phán đã gần đạt được sự nhất trí để hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Đây là tuyên bố lạc quan hiếm hoi của phía Iran, được nhận định là có thể mở đường cho việc việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015 vốn bị đình chỉ trong 4 năm qua.

Theo Ngoại trưởng Adollahian, Iran và các cường quốc đang gần hơn bao giờ hết đến việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Ngoại trưởng Iran HOSSEIN AMIRABDOLLAHIAN: "Chúng tôi gần đạt được thỏa thuận tại các cuộc đàm phán ở Viên về chương trình hạt nhân. Chúng tôi đã đưa ra các đề xuất mới nhất của mình cho Mỹ thông qua Điều phối viên của Liên minh châu Âu để đạt được thỏa thuận cuối cùng. Nếu Mỹ hành động thực dụng, chúng tôi sẵn sàng để ngoại trưởng của các nước thuộc ủy ban chung của thỏa thuận hạt nhân tập trung tại Vienna để hoàn tất thỏa thuận."

Về phía Mỹ, người phát ngôn Nhà Trắng Ned Price cho biết, Washington sẵn sàng đưa ra "các quyết định khó khăn" để đạt được thỏa thuận khôi phục thỏa thuận hạt nhân. Đối với Mỹ, vấn đề chính vẫn là Iran cam kết tuân thủ một cách có thể kiểm chứng các hạn chế đối với hoạt động hạt nhân của mình, đổi lại việc nới lỏng các lệnh trừng phạt.

Đinh Giang