Điểm tin quốc tế tối ngày 20/04: Tàu chở dầu treo cờ Nga bị tạm giữ tại Hy Lạp

Tàu chở dầu Pegas treo cờ Nga đã bị giữ lại ở Hy Lạp theo các lệnh trừng phạt mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với Nga; Quỹ Tiền tệ quốc tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 3,6% trong năm 2022; tranh cãi về quyết định hủy bỏ quy định đeo khẩu trang ngừa COVID-19 khi di chuyển bằng phương tiện công cộng tại Mỹ là những tin tức quốc tế đáng chú ý ngày 20/4.

TÀU CHỞ DẦU TREO CỜ NGA BỊ TẠM GIỮ TẠI HY LẠP

Tàu chở dầu Pegas treo cờ Nga cùng 19 thuyền viên đã bị giữ lại ở Hy Lạp theo các lệnh trừng phạt mà Liên minh Châu Âu (EU) áp đặt đối với Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Trong một diễn biến liên quan, tàu chở dầu Pegas treo cờ Nga cùng 19 thuyền viên đã bị giữ lại ở Hy Lạp theo các lệnh trừng phạt mà EU áp đặt đối với Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Tàu Pegas nặng 115.000 tấn đang hướng đến cảng Marmara tại Thổ Nhĩ Kỳ trước khi bị giữ tại Hy Lạp. Tàu hiện đang ở khu neo đậu Karystos, phía Nam của hòn đảo Evia (Hy Lạp).

Trước đó, truyền thông Hy Lạp đưa tin tàu chở dầu Pegas gặp sự cố liên quan tới động cơ và được một tàu kéo hỗ trợ di chuyển về bán đảo Peloponnese (Hy Lạp), song vì ảnh hưởng thời tiết xấu nên phải neo đậu tại Karysto.

IMF HẠ DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG TOÀN CẦU DO XUNG ĐỘT TẠI UKRAINE

Tác động nặng nề của cuộc xung đột Nga-Ukraine đang lan rộng khắp thế giới. Điều này khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 3,6% trong năm 2022 và trong năm 2023.  

IMF cảnh báo, các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga và xung đột dai dẳng ở Ukraine, sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc và làn sóng dịch Covid-19 mới, có thể khiến nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, trong khi lạm phát khiến giá cả hàng hóa tăng vọt, có thể gây ra bất ổn xã hội tại nhiều khu vực.

Ông PIERRE-OLIVIER GOURINCHAS, Chuyên gia kinh tế cấp cao IMF: "Triển vọng kinh tế toàn cầu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phần lớn là do cuộc xung đột Nga-Ukraine. Cuộc khủng hoảng này bùng phát khi nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch. Ngay cả trước xung đột, lạm phát ở nhiều nước đã tăng do cung cầu mất cân bằng và chính sách tiền tệ thắt chặt. "

Theo IMF, nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc sẽ cảm nhận được sự tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine và làn sóng dịch Covid-19, theo đó nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ sẽ tăng trưởng 3,7% trong khi mức này đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc là 4,4%. 

Tăng trưởng Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) được dự báo giảm xuống mức 2,8% trong năm nay, thấp hơn 1,1% so với mức dự đoán trước đó. Theo IMF, Italia và Đức là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với các quốc gia Châu Âu khác do cuộc khủng hoảng tại Ukraine, bởi nhu cầu năng lượng và các ngành sản xuất lớn của hai nước này phụ thuộc nhiều vào Nga. 

MỸ: TRANH CÃI VỀ QUY ĐỊNH DỠ BỎ QUY ĐỊNH ĐEO KHẨU TRANG

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang lên kế hoạch kháng cáo phán quyết của thẩm phán liên bang về việc hủy bỏ quy định đeo khẩu trang ngừa COVID-19 khi đi máy bay hoặc di chuyển bằng các hình thức giao thông công cộng khác. 

Bộ Tư pháp Mỹ ra thông báo nêu rõ, Bộ Tư pháp và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ không đồng tình với quyết định của tòa án và sẽ kháng cáo. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh thẩm phán Kathryn Kimball Mizelle tại Florida ra phán quyết cho rằng CDC Mỹ đã vượt quá thẩm quyền, khi bắt buộc người dân sử dụng khẩu trang trên máy bay, tàu hỏa, xe buýt và các phương tiện giao thông công cộng khác. Ngay sau phán quyết này, nhiều hãng hàng không, tàu điện ngầm và các dịch vụ xe buýt trên khắp nước Mỹ đã nhanh chóng dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang, trong đó có các hãng vận tải công nghệ và công ty đường sắt. 

Đinh Giang