Diễn đàn kinh tế: Giá xăng dầu tăng phi mã gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế

Trong buổi làm việc sáng 16/03, UBTVQH đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên về vấn đề sản xuất, nhập khẩu, cung ứng, điều hành giá xăng dầu. Nhiều vấn đề như các giải pháp đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá, điều tiết thị trường, trách nhiệm của Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan trong việc để xảy ra tình trạng thiếu cục bộ xăng dầu.. đã được nêu ra.

Tại Phiên họp thứ 9, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến từ Thủ đô Hà Nội đến các tỉnh, thành phố trong cả nước. Do đó đã có nhiều đề xuất được đưa ra tại Nghị trường Quốc hội cũng như bên lề hành lang Quốc hội.

Hàng trăm câu hỏi và tranh luận của các đại biểu đã gửi đến Bộ trưởng Công thương và các Bộ trưởng liên quan, cùng với đó là phần trả lời thẳng, trách nhiệm của các Bộ trưởng. Đã có rất nhiều ý kiến chất vấn đề vấn đề xăng dầu đã được đưa ra trong đó nhấn mạnh đến việc đảm bảo nguồn cung, rà soát mức thuế cũng như xử lý nghiêm doanh nghiệp xăng dầu vi phạm. Qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri và Nhân dân cả nước đã có cái nhìn tổng quan hơn về tình hình cung ứng, điều tiết xăng dầu hiện nay.

Xăng dầu là mặt hàng nhiên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế, chính vì thế việc giá xăng dầu tăng sẽ làm gia tăng áp lực lên lạm phát. Do đó, đã có nhiều đề xuất được đưa ra, để đối phó với thực trạng giá dầu chưa dừng lại ở mức như hiện nay mà sẽ còn tiếp tục tăng cao.

Tại Việt Nam, giá xăng được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, và các loại thuế, phí, lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp... Tuy nhiên trong mỗi lít xăng, thuế, phí các loại chiếm khoảng 40%, trong đó mức thu thuế bảo vệ môi trường cố định trong mỗi lít xăng, dầu. Nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu hay tăng cường nguồn cung trong nước.

TS. NGÔ DUY NGỌ, Chuyên gia Kinh tế Quốc tế - Học viện Ngoại giao: “Việc giảm thuế môi trường được đánh giá là một trong những biện pháp cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên về lâu dài là không đơn giản, bởi chúng ta vẫn phụ thuộc vào nguồn cung của thế giới đó là dầu thô và chúng ta chưa tự chủ 100% phần dầu thô để chế biến và sản xuất.

Ông HOÀNG VĂNG CƯỜNG, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội: “Chúng ta cần phải có biện pháp để các khu vực sản xuất trong nước, các nhà máy lọc dầu phải tăng công suất hoạt động lên để tăng nguồn cung trong nước và chủ động. Về lâu dài, phải tính đến là mở rộng các khu dự trữ để chủ động hơn, không để xăng dầu bị ảnh hưởng một cách bất thường do biến động, không ổn định của thế giới.

Ngoài ra cũng có ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh việc hợp tác giữa các nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là cân nhắc kỹ lưỡng yếu tố thị trường.

Ông MICHAEL MICHALAK, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN: “Chính phủ Mỹ đang đẩy mạnh các cuộc thương thảo với Nhật Bản và Trung Đông cũng như các nhà cung cấp dầu trên thế giới. Điều này thể hiện mong muốn của Mỹ trong việc cải thiện và đẩy mạnh mối quan hệ với các đồng minh nhằm hướng đến ổn định giá nhiên liệu. Tuy nhiên điều mà tôi muốn nhấn mạnh, đó là trong bối cảnh đầy bất ổn như hiện nay chúng ta không nên chờ đợi vào mọi thứ sẽ diễn biến êm xuôi, và chúng ta nên đẩy mạnh sự hợp tác, sự kết nối giữa các nền kinh tế trên thế giới.”

Để tiếp tục hiểu thêm về vấn đề này, đặc biệt là các giải pháp nhằm giảm tác động của giá xăng dầu đối người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có trao đổi với hai vị khách mời:

TS. NGUYỄN BÍCH LÂM – Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Ông NGUYỄN TIẾN THỎA - Chủ tịch Hội Thậm định giá Việt Nam

Xin mời quý vị theo dõi chương trình

Tuấn Anh