• 2733 lượt xem
  • 07:21 29/06/2022
  • Kinh tế

Diễn đàn kinh tế: Thị trường vàng – cơ chế mới trong bối cảnh mới

Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới là một trong những chủ đề làm nóng Nghị trường Quốc hội trong Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV. Cùng với đó, cơ chế điều hành thị trường vàng cũng là vấn đề được các Đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Cùng bàn luận những vấn đề trên trong chương trình Diễn đàn kinh tế với chủ đề “Thị trường vàng: Cơ chế mới, bối cảnh mới”.

Giá vàng trong nước chênh lệch với giá thế giới – câu chuyện đã có từ nhiều năm trước. Nếu quy đổi theo tỷ giá ngân hàng mức chênh lệch này thường không quá 10%. Tuy nhiên, trong vòng 1 năm trở lại đây, giá vàng trong nước thường cao hơn thế giới khoảng 15 %. Điển hình là ngày 8/3 vừa qua, giá vàng trong nước lập đỉnh ở mức 74,4 triệu đồng/lượng. Trong khi giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.987 USD/ounce, tương đương 55 triệu đồng/lượng. Như vậy, chênh lệch giá vàng đã có lúc đạt mức kỷ lục gần 20 triệu đồng/lượng.

Gần 10 năm Nghị định 24/2012/CP đã được ban hành và thực thi, và chưa có bất kỳ sửa đổi kể từ đó. Trong suốt quá trình triển khai Nghị định đã cho thấy nhiều ưu điểm và nổi trội là việc chống “vàng hóa”. Tuy nhiên, một thập kỷ trải qua, thị trường vàng trong nước cũng như yếu tố cung – cầu đã có sự thay đổi. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, một số quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP hiện không còn phù hợp với yêu cầu đổi mới. 

Vậy trong thời gian tới, cơ quan quản lý cần can thiệp như thế nào để siết chặt quản lý thị trường vàng trong nước, tạo môi trường công khai, minh bạch và đưa giá vàng trong nước tiệm cận với giá vàng quốc tế?

Cùng bàn luận chủ đề này với 3 vị khách mời: Ông VŨ ĐÌNH ÁNH - Chuyên gia Kinh tế tại điểm cầu Hà Nội; Ông TRẦN THANH HẢI - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGB) Ông PHAN DŨNG KHÁNH - Chuyên gia đầu tư Tài chính - điểm cầu TP.HCM.

Mời quý vị và các bạn theo dõi tiếp nội dung chương trình!

Lê Hương