Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4: Tài nguyên sẽ cạn, nguồn lực rồi sẽ già, chỉ có trí tuệ là bền vững

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4, các chuyên gia trong nước và quốc tế nhận định, mô hình kinh tế số đang rất phát triển tại Việt Nam, đóng góp to lớn vào tốc độ phát triển kinh tế chung của cả nước. Đây cũng chính là xu thế tất yếu của các quốc gia trên thế giới giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, dự báo kinh tế thế giới những năm tiếp theo đang có chiều hướng không ổn định, tạo nên những khó khăn thách thức cho các doanh nghiệp. Sự tác động của đại dịch Covid 19 cùng sự xuất hiện nhiều biến cố mới thuộc về bối cảnh quốc tế đã và đang đặt ra yêu cầu Việt Nam cần đẩy nhanh việc tích cực chuyển đổi kinh tế số, công nghệ cao.

PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam: “Nếu chúng ta không tích cực kinh tế số thì chúng ta khó có thể vượt qua được vì hiện trình độ mình còn rất thấp. Tôi muốn dẫn chứng là tại sao trong thời Covid-19 thì các tỷ phú công nghệ cao của thế giới lại bùng nổ lên ghê gớm, mà các tỷ phú này cơ bản đều là các tỷ phú công nghệ cao, nó mang hàm ý là Việt Nam đi sau thì định hướng để thúc đẩy khởi nghiệp theo hướng kinh tế số và công nghệ cao mang tính quyết chiến.”

Ông ANDREW JEFERIES, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam: “Đại dịch cho các quốc gia thấy tầm quan trọng của việc thúc đẩy việc hợp tác chia sẻ nhiều hơn về thông tin, cắt giảm bớt các thủ tục thuế quan, nới lỏng hạn chế việc nhập cảnh, nghiên cứu nhiều hơn về các giải pháp toàn cầu, đoàn kết và hợp tác quốc tế.”

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết, tài nguyên sẽ cạn, nguồn lực rồi sẽ già, chỉ có trí tuệ là bền vững. Tương lai lâu dài của một quốc gia nằm ở giáo dục và khoa học công nghệ.

PGS.TS VŨ HẢI QUÂN, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh: “Cần thực hiện một số chiến lược đầu tư kinh tế, cụ thể là: Chuyển đổi từ nhân công giá rẻ sang lợi thế nhân lực công nghệ cao. Bên cạnh thu hút tài chính, nên quan tâm thu hút nhân lực trình độ cao. Bên cạnh nền kinh tế thu hút đầu tư nên thu hút nhân lực trình độ cao. Khẩn trương quy hoạch dự báo nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn 2045 theo xu hướng tăng quy mô nhân lực các nhóm ngành khoa học công nghệ.”

Các chuyên gia cũng khẳng định, doanh nghiệp muốn phát triển kinh tế số, người lãnh đạo đóng vai trò quan trọng, là người phải có tầm nhìn, chọn giải pháp phù hợp, tạo được sự đồng thuận cao trong đơn vị, doanh nghiệp.

Thực hiện : Quang Duy - Huỳnh Tiến