Điều hành chủ động, linh hoạt để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

Sáng 11/5, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2022.

Báo cáo thẩm tra báo cáo kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Năm 2021 trong bối cảnh dịch Covid -19 bùng phát và ảnh hưởng mạnh đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội,  kinh tế vĩ mô nước ta vẫn duy trì ổn định, CPI bình quân cả năm chỉ tăng 1,84%, thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) tăng 202,9 nghìn tỷ đồng; GDP Quý IV tăng trưởng 5,22%, nền kinh tế đã xuất hiện những điểm sáng tích cực về sản xuất, đầu tư, thương mại và dịch vụ , FDI vẫn là điểm sáng trong thu hút đầu tư. 

Kinh tế - xã hội Quý I năm 2022 tiếp tục thu được những kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng GDP ước tăng 5,03%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu NSNN 4 tháng đạt 46,6% dự toán, tăng 15,4%, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất cùng kỳ từ trước đến nay.

Để thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ và tài khóa; triển khai nhanh, khẩn trương và hiệu quả Nghị quyết số 43 của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022 và 2023, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Bên cạnh đó bổ sung, triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch Covid-19; tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 hiệu quả cho trẻ em từ 5-12 tuổi. Xây dựng phương án hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng, tránh làm gián đoạn hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Khuyến nghị và hướng dẫn doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác xuất khẩu và đầu tư để giảm thiểu tác động tiêu cực và bảo đảm ứng phó, thích ứng tốt với các biến động kinh tế thế giới. Kiểm soát tốt nguồn cung, chuỗi cung ứng vật tư, nhiên liệu sản xuất, không để đứt gãy, đặc biệt là chuỗi cung ứng của thế giới với Việt Nam. Đồng thời, cần xây dựng giải pháp tổng thể bảo đảm nguồn cung xăng dầu; các kịch bản điều hành giá xăng dầu trong nước; Tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đi đôi với tăng cường kiểm soát, bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, tránh gây áp lực lên lạm phát. Đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia. Tăng cường công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; bảo đảm duy trì các dịch vụ trợ giúp xã hội và kịp thời phát hiện, giải quyết, thông tin liên quan đến quyền trẻ em. 
 

Nguyễn Duyên