• 2020 lượt xem
  • 20:03 12/03/2022
  • Kinh tế

Giá xăng dầu tăng, quỹ bình ổn giá tại nhiều doanh nghiệp đầu mối đang ở mức âm

Giá xăng dầu được điều chỉnh tăng từ 12%-23% so với kỳ điều chỉnh trước, giá xăng RON 95 gần chạm mốc 30.000 đồng/lít. Như vậy giá xăng dầu được điều chỉnh tăng lần thứ 7 liên tiếp kể từ đầu năm đến nay và là mức tăng cao nhất trong 8 năm do biến động của giá dầu thế giới.

Những tháng đầu năm 2022, giá dầu thế giới liên tục tăng mạnh, vượt mốc 100 USD/thùng. Chỉ tính trong tháng 2 năm nay, giá dầu diesel đã tăng đến 70%, trong khi giá xăng trong 10 ngày đầu tháng 3 đã tăng đến 30%. Điều này đã và đang gây áp lực lên nguồn cung thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo Nghị định 95/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 2/1/2022, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh 3 lần 1 tháng, tuy nhiên trong trường hợp giá xăng dầu có biến động bất thường, liên Bộ Công Thương, Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về việc điều chỉnh cho phù hợp.

Ông ĐỖ THẮNG HẢI: Thứ trưởng Bộ Công Thương: “Vừa qua, do tình hình biến động của mặt hàng xăng dầu trên thế giới, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo, 2 ngày một lần, Tổ điều hành xăng dầu liên Bộ Công Thương-Tài chính rà soát về tình hình biến động của giá xăng dầu, để nếu cần thiết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc có điều chỉnh giá xăng dầu sớm hơn so với quy định tại Nghị định 95 hay không”.

Và để có dư địa điều hành, bình ổn giá xăng dầu trong nước, mới đây Bộ Công thương có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc lấy ý kiến dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Theo đó, kiến nghị giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, tức 2.000 đồng/lít xăng, 1.000 đồng/lít dầu. Các chuyên gia nhấn mạnh đây là biện pháp cần thiết, tuy nhiên cũng cần xét thêm nhiều yếu tố.

TS. NGÔ DUY NGỌ: Chuyên gia Kinh tế Quốc tế - Học viện Ngoại giao: “Về lâu dài là không đơn giản bởi chúng ta vẫn phụ thuộc vào nguồn cung của thế giới đó là dầu thô và chúng ta chưa tự chủ 100% phần dầu thô để chế biến và sản xuất”.

PGS. TS. ĐINH TRỌNG THỊNH: Chuyên gia Kinh tế, Học viện Tài Chính: “Chúng ta cũng cần có những biện pháp giảm sát tuyên truyền kiểm tra để từ đó thực hiện các hoạt động mua bán cũng như kinh doanh trôi chảy, tránh tình trạng tích trữ đâu cơ một số mặt hàng trong thời điểm nên kinh tế có thể có những xáo trộn nhất định do địa chính trị cũng như các yếu tố giá cả thì từ đó sẽ góp phần ổn định mặt bằng giá”.

Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu mới nhất này, Liên Bộ Công Thương – Tài chính không thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu. Theo thống kê, Quỹ bình ổn giá còn khoảng 620 tỉ đồng, quỹ bình ổn tại nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang ở mức âm./.

Lê Hương