Đoàn giám sát của Hội đồng dân tộc làm việc với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Chương trình giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021, sáng nay, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Giai đoạn 2016-2021, Bộ Lao động Thương binh và xã hội đã tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đối tượng là người dân tộc thiểu số gồm: Hỗ trợ việc làm cho người dân tộc, chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; ban hành một số chính sách giảm nghèo bền vững và các chương trình, đề án trợ giúp xã hội theo thẩm quyền cho người dân tộc thiểu số; hỗ trợ lao động là nữ dân tộc thiểu số được tiếp cận lao động việc làm bình đẳng, không phân biệt đối xử; hướng dẫn thực hiện chính sách giáo dục nghề nghiệp trong đó có đối tượng là người dân tộc thiểu số; Chính sách nội trú của trường cao đẳng, trung cấp. Bộ cũng đang đề xuất các nội dung hỗ trợ người lao động đi làm nước ngoài theo hợp đồng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Đây là những chính sách quan trọng đối với đồng bào dân tộc thiểu số nhưng các đại biểu cho rằng một số văn bản quy định cụ thể các vấn đề chậm được ban hành ảnh hưởng đến việc triển khai chính sách trong thực tiễn, trong đó có các điều khoản của Luật Việc làm, Luật Trẻ em, Luật Giáo dục Nghề nghiệp.

Bà TRẦN THỊ DUNG - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Nghị định 20, thực tế là chậm, chậm 4 năm 1 tháng so với Luật Trẻ em (có hiệu lực 1.6.2017), Luật Việc làm cũng thế.  

Bà LEO THỊ LỊCH - Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Trong cập nhật các văn bản quy định liên quan đến trẻ em, hộ nghèo, giải quyết việc làm, đào tạo nghề là những vấn đề liên quan chúng ta triển khai chưa đáp ứng đúng thời gian văn bản quy phạm pháp luật đặt ra.

Ông QUÀNG VĂN HƯƠNG -  Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Theo quy định là khi ban hành các chính sách liên quan đến dân tộc thiểu số phải xin ý kiến của Hội đồng dân tộc, quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, trong quá trình triển khai thực hiện các đồng chí có thực hiện quy định này không hoặc tham mưu cho Chính phủ thực hiện hay không, nếu có thì triển khai như thế nào và sự phối hợp các bộ ngành như thế nào?

Các đại biểu cũng đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội làm rõ hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân tộc thiểu số đi lao động ở nước ngoài, các chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số... 

Đây là những vấn đề mà thực tế triển khai thời gian qua còn có nhiều bất cập, cần phải đánh giá tác động chính sách để có định hướng và đưa ra giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Minh Công