Đoàn kết là mục tiêu trong sắp xếp đơn vị hành chính vùng dân tộc thiểu số

Trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, trước hết cần đảm bảo quyền lợi người dân và chú trọng đảm bảo đoàn kết các cộng đồng dân cư là nội dung nhiều đại biểu thống nhất tại Hội thảo đánh giá tác động Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Hội thảo do Hội đồng dân tộc của Quốc hội và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức vào sáng 17/3.

Khẳng định sự cần thiết và quan trọng trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, tuy nhiên phát biểu của các đại biểu tại hội thảo đều cho rằng đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi cần phải có sự nghiên cứu cặn kẽ để đảm bảo quyền lợi cho người dân trong tiếp cận các dịch vụ công cũng như việc hưởng các chính sách ưu đãi đặc thù như chính sách về giáo dục, y tế, chính sách cán bộ. Đặc biệt đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi khi sáp nhập các đơn vị cần phải tính toán đến yếu tố văn hoá truyền thống, đảm bảo sự đoàn kết giữa các cộng đồng dân cư, đoàn kết giữa các dân tộc. 

Ông Y THANH HÀ NIÊ KĐĂM - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Băn khoăn tính đoàn kết, nếu chỉ sắp xếp về kỹ thuật thì rất rõ nhưng về các thực thể hành chính cũng như thực thể cộng đồng là câu chuyện rất khác cần thời gian để soi rọi và đánh giá về chính sách liên quan bố trí sắp xếp, về mặt tư tưởng trong quá trình làm chúng ta hơi vội vàng nên còn nhiều vấn đề phát sinh.

Ông NGUYỄN LÂM THÀNH - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Ngoài việc phát triển rồi thì có cái ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm đồng bào và sự đoàn kết cộng đồng dân cư, cần phải nghiên cứu sâu hơn, phải xem đại đoàn kết dân tộc là một yếu tố quan trọng khi xem xét đến khi ban hành chính sách.

Để đảm các mục tiêu của việc sắp xếp các đơn vị hành chính như tiết kiệm chi phí, tinh gọn bộ máy, các đại biểu kiến nghị một số phương án linh hoạt tuỳ theo thực tiễn.

Bà ĐINH THỊ THẢO: Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hoà Bình: Phải tính đến yếu tố hài hoà trong lãnh đạo, ba xã sát nhập thì ông Bí thư phải là của xã này, ông chủ tịch của xã kia và ông chủ tịch HĐND của xã còn lại, nhưng nhiều khi vẫn chưa sắp xếp được, vì vậy yếu tố đoàn kết dân tộc, đại đoàn kết dân tộc là ta phải tính đến. 

Ông NGUYỄN KHẮC PHƯƠNG: Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lạng Sơn: Đến thời điểm hiện tại xin phải nợ với Chính phủ, với Ủy ban thường vụ Quốc hội có lẽ không sắp xếp được, mà cho chúng tôi giữ lại là đề nghị phân loại xã này bé lại, diện tích đủ nhưng dân số thiếu, có giải pháp khác để tinh gọn bằng phân loại đơn vị hành chính, xin giảm định mức số lượng công chức, giảm định mức kinh phí chi thường xuyên chứ nếu sáp nhập bằng mọi giá thì xảy ra rất nhiều mâu thuẫn không hoạt động hiệu lực hiệu quả được.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng khẳng định lại những tác động tích cực không thể phủ nhận được của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Tuy nhiên ông cũng cho rằng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn tồn tại nhiều bất cập, tiêu chí sáp nhập chưa hoàn toàn phù hợp với đặc thù miền núi, làm thay đổi quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính, quản lý đất đai, quản lý rừng. Trong đó những tác động liên quan đến vấn đề văn hoá ảnh hưởng đến tâm tư của bà con là vấn đề cần được xem xét.

Ông PHAN XUÂN DŨNG: Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khoá XV: Việc sáp nhập ảnh hưởng đến nếp sống, thói quen làng xã, đời sống tinh thần của đội ngũ cán bộ cấp xã, cấp thôn, đến từng cộng đồng dân cư, đến từng gia đình, người dân.

Khẳng định đây là nội dung rất quan trọng và có tác động đến nhiều mặt trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, Ông Phan Xuân Dũng cũng đề nghị Hội đồng Dân tộc  nghiên cứu để nếu cần có thể tổ chức phiên giải trình về nội dung này để các đơn vị bộ ngành, địa phương làm rõ nội dung và đưa ra giải pháp khắc phục bất cập trong thời gian qua và định hướng triển khai trong thời gian tới.

Phan Xanh