• 1792 lượt xem
  • 14:58 25/07/2022
  • Xã hội

Doanh nghiệp môi trường và người dân "loay hoay" với phân loại rác

Việc phân loại rác tại nguồn sắp trở thành việc làm bắt buộc chứ không còn tự nguyện. Đến thời điểm này, không chỉ người dân còn loay hoay với phân loại rác mà các doanh nghiệp môi trường phụ trách việc thu gom rác cũng đang rất mù mờ với rác phân loại.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, các hộ gia đình/cá nhân bắt buộc phải phân rác thành 3 loại. Theo nhiều chuyên gia, không chỉ người dân phải thay đổi thói quen hàng ngày, mà với các đơn vị thu gom, vận chuyển rác cũng phải cải tổ hoàn toàn – chứ không đơn thuần thu gom chung 1 loại rác sinh hoạt như trước nữa. 

Ông NGUYỄN THI– Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT:Việc thu gom này cần phải được cải tổ hoàn toàn. Theo Luật bảo vệ môi trường, từng loại rác sẽ được thu gom từng loại ngày khác nhau, phải phân loại ít nhất thành 3 loại: tái chế, hữu cơ, khác".

Việc đội thêm chi phí đầu tư để thu gom rác phân loại chắc chắn sẽ là một áp lực. Bởi bối cảnh hiện nay, hầu hết các DN thu gom vận chuyển rác tại Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn như giá nguyên liệu đầu vào tăng gấp đôi so với thời điểm nhận thầu, phải bố trí tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động.

Ông NGUYỄN ĐỨC DŨNG – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, chi nhánh Ba Đình: “Giá nhiên liệu tăng gần gấp đôi, trong khi đó quy trình thực hiện vẫn phải thực hiện đầy đủ, đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngoài ra, thu nhập của người lao động phải đảm bảo, thậm chí có phần đi lên nên công ty thực sự khó khăn, phải đi vay để đảm bảo sản xuất". 

Đó là chưa kể tới việc các công ty vệ sinh môi trường phải bố trí lại lao động, lịch trình thu gom rác cho đúng chủng loại. Từng loại rác sẽ phải được vận chuyển đến những nơi xử lý khác nhau hay lại đổ chung vào bãi rác? Còn việc từ chối thu gom rác nếu không phân loại đòi hỏi việc phối hợp với chính quyền địa phương – nhân dân ra sao? Hàng loạt câu hỏi đang được đặt ra. Và các DN môi trường cũng như người dân đều đang đợi các địa phương có những quy định hết sức cụ thể, khả thi - để việc phân loại rác thực sự đi vào cuộc sống và đem lại hiệu quả mong muốn./.