• 2344 lượt xem
  • 14:28 24/11/2022
  • Văn hóa

Độc đáo đám cưới người Chăm Bà Ni

Lễ cưới của mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo đều có nét độc đáo riêng. Đối với người Chăm theo đạo Bà Ni cũng vậy, muốn được dân làng công nhận là vợ chồng thì họ phải tổ chức lễ cưới truyền thống, được vị sư cả và chức sắc trong làng chúc phúc. Hôm nay mời quý vị tham dự một lễ cưới truyền thống của người Chăm theo đạo Bà Ni tại xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.

Đây là những nghi thức trong đám cưới theo đạo Bà Ni của cô dâu Diễm Phúc và chú rể Ngọc Cảnh. Dù chị Phúc đã bắt chồng nhiều năm nhưng chưa tổ chức lễ cưới truyền thống nên không được người làng công nhận. Chính vì vậy khi con cái lớn, gia đình có điều kiện hơn anh chị quyết định tổ chức lễ cưới, mời các vị sư cả, chức sắc tôn giáo và người lớn trong làng. Mở đầu buổi lễ, trong rạp đã dựng sẵn vị sư cả làm các nghi lễ trao tên thánh, cầu phúc và công nhận cho 2 anh chị là vợ chồng. Đối với người Chăm theo đạo Bà Ni chỉ khi được vị sư cả và các chức sắc công nhận thì họ mới chính thức là vợ chồng. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Lễ cưới hỏi của người Chăm Bà Ni thường diễn ra vào các tháng 3, 6, 8 và 10 theo lịch của người Chăm với nhiều nghi thức như lễ dạm hỏi, lễ hỏi cưới và lễ cưới chính thức. Trong lễ cưới phải có một con dê, một con gà và các em bé trai mang lễ vật trầu cau. Hôn nhân của người Chăm Bà Ni thể hiện vai trò quan trọng của người phụ nữ trong chế độ mẫu hệ có quyền bắt chồng. Dù trải qua bao nhiêu năm, đám cưới người Chăm Bà Ni vẫn được các thế hệ bảo tồn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa độc đáo./.

Triệu Nguyễn