Độc đáo hương vị rượu men lá giữa đại ngàn Quảng Trị

Đến vùng cao ở Quảng Trị vào những dịp lễ hội hay ngày Tết, bên ánh lửa bập bùng cùng điệu kèn, tiếng trống luôn không thể thiếu hương say nồng nàn từ các loại rượu. Nhưng ít ai biết, hương vị nồng nàn ấy được tạo ra từ một loại men lá truyền thống, với bí quyết riêng của bà con đồng bào Vân Kiều - Pa Cô.

Bà Hồ Thị Nái, ở thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị hiện không nhớ mình bao nhiêu tuổi, nhưng khi nói đến nghề tạo ra men lá của bà con mình ở đại ngàn núi rừng Trường Sơn thì bà kể tường tận không thiếu một chi tiết nào. Cách làm men lá nấu rượu được truyền qua các thế hệ, đến bà là thế hệ thứ 4. Men lá chủ yếu được làm ra từ khoảng 15 loại rễ và lá cây. Ngoài những loại rễ lá quen thuộc như lá ớt, tiêu, mía, lá quế thì còn có một số rễ lá theo tiếng gọi của bà con Vân Kiều là: Ra lơng a giã, na noai, Ta ven, Xa măng, Xa á ta moi, Ra pét a lọ… Trong đó, Xa á ta moi và Ra pét a lọ là hai thành phần quan trọng hàng đầu, quyết định chất lượng của men.

Bà Hồ Thị Nái - Thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị: “Để làm ra men lá truyền thống thì không khó. Nhưng cái chính phải biết cách chọn thời điểm để lấy các nguồn liệu từ rễ và lá cây rừng. Rồi sau đó tuân thủ các bước chế biến từ, giã nát, trộn, cho đến cách ủ và hong khô. Nói cách khác là tạo ra men lá truyền thống đạt chất lượng và đẹp thì phải có bí quyết riêng. Nhưng mình và dân bản sẽ cố gắng truyền dạy lại cho con cái hiểu biết để duy trì nghề quý của tổ tiên để lại. Bởi đây cũng là nét văn hóa độc đáo, đặc trưng của người dân tộc Vân Kiều, Pa Cô, không thể để mai một được”.

Hầu hết các bản làng ở các huyện miền núi như Hướng Hóa, Đakrông của tỉnh Quảng Trị đều có người biết cách làm men lá truyền thống được cha ông truyền lại. Trong đó, các xã như Thuận, Thanh, Pa Nang là những nơi hiện vẫn còn nhiều người gìn giữ và phát triển nghề làm men lá độc đáo. Mỗi loại lá rừng để làm men đều là những vị thuốc dân gian có các công dụng như: giải độc, thanh nhiệt, kích thích tiêu hóa... Để có được men tốt thì công đoạn nấu rượu men phải rất công phu và đòi hỏi sự khéo léo. Gạo nấu cơm rượu và ủ men phải là gạo nếp, được vò sạch, hong để nguội rồi trộn với men, cho vào chum ủ từ 7-10 ngày, sau đó mới chưng cất thành rượu. Quá trình chưng cất phải dùng củi đun đều lửa, không cho cháy to quá cũng không nhỏ quá để rượu ra từ từ.

Ông Hồ Văn Ven - Thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi, hyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị: “Rượu mình nấu rất là sạch vì không có độc tố như men hóa học. Men đây là tư nhiên họ kiếm ra từ rừng. Kiếm lá xong họ làm bằng men gạo. Không phải bột gì đó là không có, hoàn toàn là từ gạo, hoặc là nếp. Khi uống nó không gây đau đầu không hại dạ dày. Rất tốt! Mình rất tự hào vì làm ra được sản phẩm như thế này. Và không phải ai cũng là làm được!”  

Ông Hoàng Khánh Hòa - Phó Chủ tịch UBND xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị: “Hiên nay UBND xã cũng đã có kết hoạch tuyên tuyền vận động bà con có kế hoạch phát triển nghề men lá, đồng thời UBND xã cũng đã xây dựng và định hướng đưa sản phẩm men lá thành sản phẩm OCOP trong chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm nhằm góp phần vào sự phát triển của địa phương. Đồng thời góp phần vào việc lưu truyền bản sắc văn hóa lâu đời của bà con nơi đây”.

Ngày nay, dù đã có nhiều loại đồ uống khác nhau, song đặc sản men lá dùng để chế biến rượu vẫn được người Vân Kiều - Pa Cô ở vùng cao đại ngàn núi rừng Quảng Trị lưu giữ và phát triển trong văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Với họ, rượu men lá không chỉ là thứ không thể thiếu trong các dịp lễ hội mà còn là món quà biếu mang đậm đà hương vị quê hương, chứa đựng tình người, được lưu giữ qua đôi bàn tay của người phụ nữ vùng cao.

Võ Linh