Đối mặt với vô số cấm vận, hàng công nghệ tuồn vào Nga bằng cách nào?

Nga đang chịu rất nhiều sức ép từ các lệnh cấm vận nhập khẩu thiết bị, công nghệ. Tuy nhiên, các công ty cung cấp vẫn tìm được cách lách luật để cung ứng cho Nga những mặt hàng công nghệ quốc gia này muốn.

Mặc dù Hoa Kỳ và EU đã hạn chế bán công nghệ nhạy cảm cho Nga sau xung đột Nga - Ukraine từ sau ngày 24/2, rất nhiều mặt hàng này vẫn đang đều đặn được nhập khẩu vào Nga thông qua các công ty xuất nhập khẩu ở nước thứ 3.
 
Cuộc điều tra của Reuters và Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) đã phát hiện ra rằng, dường như có một danh sách dài những công ty “dự bị” sẵn sàng thay thế các thực thể đó.

Azu International, đăng ký thành lập tại Thổ Nhĩ Kỳ, là một công ty như vậy. Theo hồ sơ hải quan Nga, trong 7 tháng sau xung đột, công ty này đã xuất khẩu các linh kiện trị giá ít nhất 20 triệu USD sang Nga, bao gồm cả chip do các nhà sản xuất Mỹ sản xuất.

Báo cáo của Reuters cho thấy, trước xung đột, chủ nhân của Azu International đã buôn các sản phẩm công nghệ thông tin, bao gồm các sản phẩm công nghệ Mỹ ở Đức, thông qua Công ty Smart Impex GmbH.

Tháng 10/2022, Smart Impex đã ngừng xuất khẩu sang Nga để tuân thủ các hạn chế thương mại của EU, tuy nhiên vẫn bán cho Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia không thuộc EU. 

Theo số liệu Hải quan Nga, trong 7 tháng (tính đến ngày 31/10), ít nhất 2,6 tỷ đôla máy tính và các linh kiện điện tử khác đã chảy vào Nga, trong đó khoảng 777 triệu USD sản phẩm có chip, do các công ty như Intel Corp (Mỹ), Advanced Micro Devices Inc , Texas Instruments Inc và Analog Devices Inc. (Mỹ) và Infineon AG (Đức) sản xuất, được tìm thấy trong các hệ thống vũ khí của Nga.

Cũng theo cuộc điều tra trên, các lô hàng chất bán dẫn và công nghệ vẫn tiếp tục được chuyển đến Nga từ Hồng Kông, Thổ Nhĩ Kỳ và các trung tâm thương mại khác.

Trong khi đó, nhiều lô hàng linh kiện máy tính phương Tây được chuyển đến Nga từ Trung Quốc và các quốc gia không tham gia vào các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và EU đối với Nga.