• 1808 lượt xem
  • 20:10 30/08/2022
  • Xã hội

Đổi mới phương pháp dạy môn Ngữ văn: Học sinh được trải nghiệm, được viết, được sáng tạo

Trong công văn hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh việc đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn cần đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh.

Những học sinh này rất hào hứng với tiết học văn theo chương trình mới. Ngoài các tác phẩm được xếp theo thể loại giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ hơn thì các văn bản trong chương trình Ngữ văn lớp 10 cũng rất phong phú đa dạng. Đặc biệt, cách kiểm tra đánh giá của chương trình mới ở môn Ngữ văn sẽ có thêm phần trắc nghiệm khách quan, điều chưa từng có ở môn học này.

Em PHAN THANH NGỌC, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội:Em cảm thấy đây là sự thay đổi mới lạ. Nếu làm theo tự luận, dù em được sáng tạo nhưng vẫn phải trong khuôn mẫu của bài văn. Em khá là tò mò cách ra đề theo trắc nghiệm.”

Mới mẻ, tích cực là nhận định của nhiều giáo viên với chương trình giáo dục phổ thông mới nói chung và hướng dẫn đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn nói riêng.

Cô giáo NGUYỄN THỊ NGỌC YẾN, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội: “Định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới là phát huy năng lực của người học, vì thế việc đổi mới cách đánh giá với môn Ngữ văn là hợp lý. Ngoài câu hỏi tự luận để kiểm tra tư duy của học sinh, việc thêm câu hỏi trắc nghiệm khách quan, nhận được hưởng ứng tích cực sẽ đánh giá được chính xác được kiến thức của học sinh”.

Trong các kỳ thi, môn Ngữ văn luôn được quan tâm nhiều nhất. Vì thế, đề thi văn như thế nào để giúp học sinh được thỏa sức sáng tạo, làm bài thi theo cảm nhận riêng của mình, không lệ thuộc vào bài học, sách văn mẫu sẽ được đánh giá cao.

Cô giáo LÊ THỊ TUYÊN, Trường THCS Hòa Phúc, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang: “Thực tế đề văn không còn sách vở như mấy năm trước nữa, là những đề học sinh được trải nghiệm, được viết, được sáng tạo. Học sinh được mở rộng, không theo khuôn mẫu nào…”.

Lâu nay, thầy và trò đã quen với việc học các văn bản trong sách giáo khoa và được định hướng đấy sẽ là bài thi, kiểm tra, thậm chí là đề thi. Vì thế, nhiều giáo viên cũng bày tỏ sự băn khoăn về hướng ra đề mới, ra dạng đề mở, băn khoăn về hiệu quả của việc ra đề theo hướng đổi mới của Bộ GDĐT.

Thầy BÙI MINH ĐỨC, Trưởng khoa Ngữ văn, trường ĐHSP Hà Nội 2: “Trên thực tế, một bộ phận giáo viên chưa tự tin với đề mở, tư liệu mới, nên còn lúng túng. Trong thời gian, nếu thiết kế được những bộ đề tốt, theo hướng mở, theo hướng đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức, kĩ năng, theo hướng học sinh phải thể hiện được những suy nghĩ hồn nhiên, chân thực của các em qua việc tiếp nhận cũng như đọc hiểu các văn bản thì tôi tin việc dạy học sẽ có điểm khác”.

Việc thay đổi trong thời gian ngắn sẽ khiến giáo viên, học sinh gặp khó khăn trong làm quen, tiếp cận. Tuy nhiên, ra đề văn mở, không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa là hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển năng lực, hướng tiếp cận của học sinh theo chương trình mới.

Phan Hằng