Đổi mới trong lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV

Ngày mai (6/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Trước thềm hội nghị quan trọng này, mời quý vị cùng điểm lại những kết quả lập pháp từ đầu nhiệm kỳ và những điểm nghẽn trong công tác triển khai luật, nghị quyết cần tập trung giải quyết.

Ngày 14/10/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19, thông qua Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV. Cụ thể hóa Kết luận số 19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành kế hoạch số 81. Lần đầu tiên, có một kế hoạch lập pháp chủ động, “từ sớm, từ xa” để định hướng cho cả nhiệm kỳ.

Triển khai kế hoạch đó, với sự chỉ đạo sát sao của UBTVQH, cùng sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các bộ ngành, đến nay mới được nửa nhiệm kỳ đã có 112/137 nhiệm vụ lập pháp được hoàn thành, đạt 81% kế hoạch. Có các nhiệm vụ lập pháp được hoàn thành trước thời hạn. 

Luật Công đoàn (sửa đổi) được triển khai sớm trước thời hạn sẽ đáp ứng kịp thời quyền lợi cho các công đoàn viên trước nhiều thay đổi trên thị trường lao động. Tiến độ được đẩy nhanh như vậy là nhờ nỗ lực của ban soạn thảo cùng sự đồng hành tích cực của Quốc hội.

Với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, lập pháp chủ động, dẫn dắt, giao nhiệm vụ, đồng hành cùng Chính phủ, không “ngồi chờ” thụ động, ngay từ trung tuần tháng 8/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác của Quốc hội đã có buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để chuẩn bị cho dự án sửa đổi Luật Đất đai. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là một bộ luật có vị trí trung tâm trong hệ thống pháp luật, là nhiệm vụ lập pháp quan trọng nhất của nhiệm kỳ này, có phạm vi tác động rất lớn, tính phức tạp và độ khó rất cao, đòi hỏi nỗ lực cao nhất của Quốc hội và Chính phủ.
 
Lần đầu tiên, có một kế hoạch lập pháp cho cả nhiệm kỳ. Lần đầu tiên có hàng loạt kỳ họp bất thường, các hội nghị chuyên đề về xây dựng pháp luật để kịp thời giải quyết các vấn đề cấp bách…

Nhờ có các hoạt động lập pháp đổi mới, chủ động, dẫn dắt của Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đã có bước chuyển biến tích cực.

Hàng loạt các đổi mới của Quốc hội khóa XV đã tạo điều kiện cho Quốc hội, Chính phủ chủ động và bao quát hơn trong xây dựng pháp luật, khắc phục một phần tình trạng bị động, lúng túng, thiếu toàn diện trong công tác lập pháp. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Thùy Linh -

Hoàng Hương