• 1605 lượt xem
  • 05:47 14/02/2022
  • Xã hội

Đối thoại chính sách: Hành trình đóng, mở cửa trường học

Nhiều trường học trên cả nước đồng loạt mở của sau nhiều tháng gián đoạn vì dịch bệnh. Nhưng việc đến trường trong tâm thế lo lắng vì dịch bệnh hay đến trường vài ngày rồi lại dừng gây bất ổn trong tâm lý các em và xáo trộn cho đời sống xã hội. Vậy làm thế nào để mở cửa trường an toàn, ổn định, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc đối thoại với các đại biểu Quốc hội để tìm hiểu vấn đề này.

Mở cửa trường một phần. Rồi lại đóng cửa trường vì một vài ca nhiễm. Học trực tiếp một buổi lại đan xen với học trực tuyến... Trước khi có chỉ đạo quyết liệt, trở lại trường là một hành trình đầy bối rối.

Mong chờ trong suốt một thời gian dài, học sinh ở mọi cấp học được gặp trực tiếp thầy cô, bạn bè thay vì chỉ đối diện với màn hình máy tính. Với nhiều em, lần đến trường này không khác gì một ngày khai giảng.

Thế nhưng những băn khoăn vẫn còn đó...

Chúng ta đã đi được bước đầu tiên trong hành trình trở lại trường học. Làm sao để giữ được thành quả này ổn định, ứng phó thế nào khi có các tình huống xấu trong trường học là điều mà toàn xã hội đều đang rất quan tâm.

Tính đến 12/02, các em học sinh trên cả nước đã hoàn thành tuần học tập trực tiếp đầu tiên sau thời gian gián đoạn khá dài, có những địa phương lên đến 10 tháng liên tục. Tuần qua thì một số trường học trên cả nước cũng đã ghi nhận ca F0 trong trường. 

Trẻ em là nhóm đối tượng đặc biệt trong xã hội và luôn nhận được nhiều sự quan tâm, đây là một đạo lý nhân văn ngàn đời. Vì vậy, cũng dễ hiểu vì sao những vấn đề liên quan đến phòng chống dịch cho trẻ nhỏ, nhất là tại môi trường học đường, lại trở nên “nóng” đến vậy. 

Theo thống kê từ Bộ Y tế, trẻ em dưới 18 tuổi chiếm 19% tổng số ca mắc, trong đó nhóm trẻ từ 6-12 tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất là 8%. Tỉ lệ tử vong của trẻ em khoảng 0,42% trên tổng số ca tử vong chung. Đa số ca tử vong thuộc nhóm trẻ thừa cân, béo phì, có bệnh nền liên quan đến suy giảm miễn dịch.

Theo chuyên gia, khả năng chuyển biến nặng ở trẻ nhiễm Covid-19 không cao, tuy nhiên có thể tạo ra vòng lây nhiễm rộng khi sinh hoạt tại trường cũng như lây cho người cao tuổi trong gia đình. 

Bên cạnh đó, điều trị cho trẻ em là lĩnh vực tương đối đặc thù. Tại khu vực miền Bắc, các can thiệp hồi sức nặng về trẻ em mới chỉ được thực hiện tại tuyến trung ương. Số giường dành cho bệnh nhi diễn biến nặng cũng chưa quá nhiều. Vì vậy, cần có các tiêu chuẩn nhập viện chặt chẽ hơn, cũng như phụ huynh cần bình tĩnh khi con nghi nhiễm hoặc nhiễm SARs-Cov-2 để tránh làm quá tải hệ thống y tế. Ngành y tế cũng sẽ sớm đưa ra phác đồ mới với nhóm đối tượng này.

Đi học trong trạng thái bình thường mới cũng cần những quyết sách bình thường mới. Tại nhiều địa phương, phụ huynh gặp khó khăn bởi những quy định mới, nhưng dường như chưa gần gũi với “bình thường”.

Khi khối tiểu học tại Hà Nội quay trở lại trường học sau một thời gian dài học trực tuyến ở nhà, nhiều phụ huynh phải thu xếp nửa buổi kèm cặp chăm sóc con, vì con chỉ được học tại trường 1 buổi trong ngày.

Về phía các nhà trường, lịch học này sẽ có những vướng mắc bởi học sinh đã học online suốt gần 10 tháng, đến nay đi học trở lại chỉ 1 buổi sáng hoặc chiều, giáo viên sẽ không đủ thời gian để củng cố kiến thức bị thiếu hụt cho các em học sinh

Việc không ăn chung, nghỉ chung sẽ giúp giảm nguy cơ lây nhiễm, nhưng nhiều phụ huynh trăn trở liệu có thật sự có hiệu quả không khi trẻ đã tiếp xúc gần với nhau trong cả buổi học, và trẻ vẫn có thể ăn tại các hàng ăn bên ngoài - nơi còn khó truy vết hơn.

Đưa trẻ trở lại trường là một nhiệm vụ quan trọng, cần sự chung tay quyết liệt từ các cấp quản lý cũng như mọi người dân. Sự ổn định của trường học cũng sẽ đem đến sự ổn định của toàn xã hội. Hi vọng những chia sẻ trong chương trình sẽ giúp cho phụ huynh yên tâm hơn khi đưa trẻ trở lại trường, cũng như gợi mở những giải pháp để cơ sở giáo dục mở cửa an toàn, ổn định trong bối cảnh dịch bệnh.

Để nhìn nhận rõ hơn về đi học trong trạng thái bình thường mới, kính mời quý vị và các bạn lắng nghe những chia sẻ của các khách mời trong chương trình trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam và website quochoitv.vn.