Đối thoại chính sách: Pháp luật về sở hữu trí tuệ và những rào cản trong phát triển công nghiệp văn hóa

Theo khảo sát về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam của nhóm nghiên cứu “Dự án Tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam (SIPE)" thì 14% chủ thể sáng tạo cho biết, thường xuyên bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, 29% chủ thể sáng tạo đã từng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trong số các sản phẩm văn hóa, sáng tạo bị xâm phạm lĩnh vực âm nhạc chiếm 76,9%, điện ảnh là 71,6%, xuất bản 50,7%.

Mặc dù đây là những con số mang tính chất khảo sát nhưng đã phần nào phản ánh thực trạng vi phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực vă hoá, sáng tạo, ảnh hưởng trực tiếp đến định hướng phát triển công nghiệp văn hoá theo Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng. Và điều đáng lo ngại là trong các vụ vi phạm về sở hữu trí tuệ kể trên, có nhiều vụ xảy ra do thiếu các văn bản luật hiện hành hoặc nhiều cá nhân, tổ chức cố tình lách luật để thực hiện các hành vi vi phạm.

Chính vì vậy, hành lang pháp lý liên quan đến sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hoá sáng tạo đã thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng dư luận, nhất là trong bối cảnh “Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022” đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá 15 và sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2023 sắp tới. Và để cùng bàn luận về nội dung này, ngày hôm nay chúng tôi đã mời tới trường quay hai vị khách mời.

Xin trân trọng giới thiệu:

Bà Phạm Thị Kim Oanh – Cục Phó Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;

PGS.TS Trần Văn Hải – Trưởng Bộ môn Sở hữu Trí tuệ, Khoa Khoa học Quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn, ĐHQGHN.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

Anh Thư