Dồn dập báo cáo cùng thời điểm, Đại biểu Quốc hội đề nghị điều chỉnh kế hoạch giám sát

Thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 vào chiều hôm qua (23/5), sau khi nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong công tác giám sát tại địa phương, nhất là thời gian tổ chức giám sát, các đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh kế hoạch giám sát trong thời gian tới sao cho hiệu quả, hợp lý.

Nhắc lại kế hoạch giám sát được tổ chức cuối năm ngoái, có đại biểu cho rằng, việc tiến hành giám sát vào thời điểm này gây nhiều khó khăn cho các địa phương bởi trong một thời gian ngắn nhưng các Đoàn đại biểu Quốc hội phải tiến hành giám sát khối lượng công việc lớn. Do đó, cần điều phối, bố trí thời gian hợp lý hơn.

Ông NGUYỄN QUỐC LUẬN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái: “Trong năm 2021 vừa rồi chúng ta tổ chức 2 chuyên đề giám sát. Ngày 15/11, chúng ta phải nộp một báo cáo về giám sát, ngày 10/1 phải nộp báo cáo giám sát. Do vậy, các địa phương, các đoàn đại biểu Quốc hội phải tổ chức giám sát vào cuối năm, mà tại thời điểm cuối năm thì các địa phương cũng rất bận. Chúng tôi đề nghị phải cân nhắc thời gian, cả 4 chuyên đề đều phải kết thúc trước ngày 30/4, trong đó 8 tháng còn lại chúng ta lại không tổ chức giám sát. Thời gian bố trí như vậy có mặt chưa hợp lý.”

Ông NGUYỄN HẢI DŨNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định: “Chuyên đề sắp xếp đơn vị hành chính yêu cầu báo cáo trước ngày 30/12/2021, báo cáo về quy hoạch trước ngày 10/01/2022. Chuyên đề về tiếp công dân thì trước ngày 10/4, về thực hành tiết kiệm thì trước ngày 30/4, trong khoảng 10 ngày, như thế chúng tôi phải hoàn thành 2 báo cáo giám sát, cùng thời gian đó phải thực hiện 2 cuộc giám sát rất vất vả mà nghiên cứu tài liệu cũng rất nhiều. Giống như ý kiến của 2 đại biểu trước, đề nghị giãn ra để các đoàn có nhiều thời gian nghiên cứu.”

Liên quan đến đề cương giám sát, có ý kiến đề nghị tách riêng đề cương báo cáo cho cơ quan trung ương và địa phương, bởi thực tế cho thấy, việc giám sát chung một đề cương đang khá lúng túng.

Ông HOÀNG QUỐC KHÁNH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu: “Đề cương giám sát cần xây dựng một cách khoa học hơn, tránh trùng lặp nội dung báo cáo, có đề cương báo cáo cho các cơ quan trung ương và đề cương báo cáo cho địa phương riêng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế. Có cuộc giám sát hiện nay đề cương đang chung cho nên khi xây dựng các báo cáo giám sát ở các đơn vị rất lúng túng.”

Song, cũng có ý kiến ngược lại, chỉ cần một đề cương chung nhưng khi giám sát sẽ chọn vấn đề phù hợp với địa phương.

Ông NGUYỄN HẢI DŨNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định: “Cá nhân tôi cho rằng, căn cứ trên đề cương của Trung ương nhưng cho phép địa phương những vấn đề nào phù hợp với tình hình ở địa phương đó thì được đoàn làm. Xin không làm toàn bộ đề cương của Trung ương.”

Kết luận phiên thảo luận về chương trình giám sát của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh và trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội 2023 và Nghị quyết về thành lập các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội trong kỳ họp.