Đồng bào vùng sâu vùng xa cơm áo gạo tiền lo chưa xong, sao có thể chú ý đến công tác phòng dịch!

Sáng 29/5, Quốc hội thảo luận về huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang nêu rõ, từ lâu đã nhất quán quan điểm y tế dự phòng là then chốt, bởi y tế dự phòng có một vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống và tuổi thọ cho người dân, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đánh giá cao những nỗ lực, thành tựu y tế dự phòng đã đạt được trong thời gian qua, tuy nhiên, đại biểu Châu Quỳnh Dao bày tỏ trăn trở về công tác phòng bệnh hiện nay. Theo đó, trong thực tế, công tác phòng bệnh tập trung nhiều vào các bệnh truyền nhiễm. Trong khi đó, gánh bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm chiếm tỷ lệ 70% trên tổng số gánh nặng bệnh tật trong cả nước, ước tính, mỗi năm các ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm trên 74% trong tổng số các ca tử vong...

Bên cạnh đó, như nhiều đại biểu đã nêu, tỷ lệ tử vong tại Việt Nam và trên thế giới trong đợt đại dịch Covid-19 chủ yếu là mắc bệnh nền, đó là những bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, tiểu đường,… đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến gây quá tải ở các bệnh viện. Đại biểu cho rằng, nguyên nhân dẫn đến các bệnh trên có thể do một số người dân đồng bào vùng sâu, vùng xa lo chưa xong cơm áo gạo tiền, cái ăn, cái mặc, nên không chú ý đến công tác phòng bệnh. Đại bộ phận người dân cũng chưa hiểu rõ, thậm chí rất mơ hồ về các nguy cơ dẫn đến bệnh không lây nhiễm. Theo đại biểu, nguyên nhân chủ yếu vẫn là ý thức chủ quan, chưa thực hiện nhất quán, thông suốt về vấn đề phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Đại biểu cũng bày tỏ vui mừng khi lệ tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam là trên 73 tuổi, nhưng tỷ lệ tuổi thọ sống tốt, sống khỏe chỉ có 64 tuổi, thấp nhất so với các nước trong khu vực. Đây là điều đáng lưu tâm.

Quan tâm tới nguồn nhân lực trong y tế dự phòng, đại biểu bày tỏ băn khoăn khi thấy, nguồn nhân lực phục vụ cho y tế dự phòng chỉ đáp ứng được 42% phục vụ, trong khi đó tỷ lệ lao động ở Việt Nam là trên 55 triệu người. Hiện tại, số làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm ngày càng tăng. Lấy dẫn chứng thực tế về vụ 8 công nhân mắc bệnh bụi phổi mới đây, đại biểu mong muốn có chính sách để không còn thấy hiện tượng trên.

Đồng thời, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về sự không thống nhất giữa các quy định về đào tạo, mô tả vị trí, chức năng nghề nghiệp cũng như các quy định liên quan đến tổ chức hiện nay. Đại biểu Châu Quỳnh Dao nêu rõ, y tế dự phòng là then chốt, nhưng sự nỗ lực hiện tại, y tế dự phòng vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của người dân trong tình thế hiện nay.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!