Đồng Nai: Gỡ khó, phát triển trường lớp mầm non tại khu công nghiệp

Đồng Nai là tỉnh dẫn đầu cả nước về quy mô và số lượng các khu công nghiệp. Trong khoảng 436.000 lao động tại tỉnh, có 60% là dân nhập cư. Để giữ vững vị trí dẫn đầu, chính sách giáo dục mầm non là một trong những vấn đề tỉnh cần tiếp tục quan tâm thực hiện. Đây là một trong các nội dung trọng tâm Đồng Nai tập trung làm việc với đoàn giám sát của UB Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chiều 22/9

Tại Đồng Nai, có hơn 37.200 trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp trên địa bàn được hỗ trợ theo Điều 8, Nghị định 105/2020/NĐ-CP.

Ông VÕ NGỌC THẠCH – Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Đồng Nai: "Cơ sở vật chất, phải đảm bảo đồ dùng đồ chơi cho trẻ. Trường lớp khang trang, sạch đẹp. Đội ngũ phải đạt chuẩn. Tất nhiên thời điểm này thiếu giáo viên thì một số giáo viên chưa đạt chuẩn tiếp tục được bồi dưỡng, cũng như hằng năm, luôn có đợt bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên này."

Bà NGUYỄN THỊ TUYẾT NGA - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: "Khi chúng ta ban hành Nghị quyết 22, chúng tôi đến cơ sở hỏi chính sách đến được chưa, thì cũng chưa đến được với người học và nhà giáo. Các cô ở đây bằng trung cấp, không được hỗ trợ theo Nghị quyết 22, nhưng chúng tôi cũng trao đổi Nghị định105 không giới hạn chuyện đó, vì chuẩn nhà giáo đang theo Nghị định 71, Nghị định 71 lộ trình đến 2030."

Một vấn đề khác được nhiều thầy cô quan tâm là chế độ cho con giáo viên mầm non.

Cô PHẠM THỊ THU HẰNG - Lớp mầm non độc lập Khôi Nguyên, tỉnh Đồng Nai: "Trong khi mình phải gửi con chỗ khác để chăm sóc con của phụ huynh, thì con em mình không được hưởng chế độ. Khi nghị quyết 22 đề ra, tạo điều kiện cho con em công nhân, mình không nằm trong đối tượng đó, mình phải lẳng lặng cam chịu."

Các vấn đề chính sách cho giáo viên mầm non; trách nhiệm UBND tỉnh trong việc quyết định đặt hàng, nâng cao trình độ giáo viên mầm non; cơ sở hạ tầng… cũng sẽ được đoàn giám sát tập hợp trình Quốc hội xem xét.

Tăng Sắc