Đồng thuận trong xây dựng đề án về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

Sáng 11/8, tại trụ sở Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” chủ trì buổi làm việc của Thường trực Ban Chỉ đạo với Hội đồng Lý luận Trung ương.

Đây là buổi làm việc cuối cùng của Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu các ý kiến tham gia đóng góp để hoàn thiện dự thảo Đề án trước khi trình Bộ Chính trị.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận Hội đồng Lý luận Trung ương đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ. Đề án đã được chuẩn bị bài bản, công phu, dân chủ, khoa học, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, giữ vững định hướng XHCN, nội dung được biên tập chặt chẽ về câu chữ, không có những sơ hở để các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.  

Nội dung Đề án đã bám sát những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN, bao quát được đầy đủ các vấn đề trọng tâm trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam như xây dựng và hoàn thiện thể chế; cải cách, đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước; đổi mới lập pháp; cải cách hành chính, cải cách tư pháp; nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; kiểm soát quyền lực nhà nước; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, nòng cốt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên...Bên cạnh đó, những đánh giá về kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền thời gian qua đã khái quát đầy đủ, chính xác, khách quan tình hình thực tiễn. Các quan điểm, mục tiêu, đột phá, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong dự thảo Đề án là đầy đủ, phù hợp, bám sát thực tiễn và có tính khả thi.

Chủ tịch nước nêu rõ, đến nay dự thảo Đề án đã có những điều chỉnh rất quan trọng, theo hướng nâng tầm khái quát của Nghị quyết cao hơn, định hướng chiến lược rõ hơn, bảo đảm những nguyên tắc, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, không đi vào những vấn đề quá cụ thể, chi tiết, mà mở ra hướng nghiên cứu, hoàn thiện cho các cơ quan khi triển khai thực hiện Nghị quyết, nhất là đối với những vấn đề có tính lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN, về mô hình các thiết chế trong bộ máy Nhà nước... hiện nay vẫn còn các ý kiến khác nhau.

Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của đất nước. Đại hội XIII của Đảng đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị, nhằm mục tiêu xây dựng đất nước đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhiệm vụ lịch sử, trọng trách cao cả nhưng cũng rất nặng nề mà toàn Đảng, toàn dân ta phải cùng nhau nỗ lực thực hiện thắng lợi trong nhiều năm tới.