Dự án đường sắt Yên Viên - Cái Lân còn "treo" đến bao giờ?

Dự án xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được phê duyệt đầu tư từ năm 2004, với chiều dài 131 km. Điểm đầu tại ga Yên Viên (Hà Nội), điểm cuối tại Cảng Cái Lân (Quảng Ninh). Đến năm 2009, sau khi mới triển khai được một phần khối lượng dự án đã “đắp chiếu” vì bị đình, giãn hoãn.

Đáng nói sau gần 20 năm bị treo, thì thời gian tái khởi động dự án vẫn ở tương lai xa từ 4-8 năm nữa. Đồng nghĩa với nhu cầu cấp thiết về ổn định cuộc sống, nhà cửa của  hơn 3.600 hộ dân vùng dự án ở Quảng Ninh vẫn còn bị treo lơ lửng do chưa bố trí được nguồn vốn.

Nhếch nhác, chật chội, phải lấy chậu hứng nước ngay trên đầu giường mỗi khi có mưa, đã trở thành việc quen thuộc nhiều năm nay của những hộ dân có nhà bị xuống cấp nhưng không thể xây lại, mà chỉ có thể sửa chữa, chắp vá tạm bợ. Họ đều nằm trong vùng dự án tuyến đường sắt Yên Viên-Cái Lân. Người dân mong mỏi dự án sớm được tái khởi động.

Ông VŨ VĂN MIỆN - Khu Vĩnh Trung, phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh: “Nếu như đập ra sau này không thanh toán cho, để như này nó dột, đổ vỡ lại chắp vá thôi. Sang năm lại chắp vá nữa, cho nên không có thời gian thay đổi được.” 

Thiệt đơn, thiệt kép, là những gì mà hơn 3.600 hộ dân thuộc 4 địa phương của Quảng Ninh là thành phố Hạ Long, Uông Bí, thị xã Đông Triều, Quảng Yên đã phải ngậm ngùi chấp nhận nhiều năm qua. Cùng với đó, việc dự án treo quá dài gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng, nhiều nơi đã bị tái lấn chiếm.

Ông Lê Văn Lương - Giám đốc Trung tâm Quỹ đất thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh: “Do dự án này triển khai trước khi có Luật Đất đai năm 2013, sau năm 2013 luật đã có hiệu lực, các thủ tục thu hồi đất, cơ chế chính sách đã thay đổi nhiều. Do vậy khi tái triển khai dự án cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến người dân và các cơ quan chuyên môn. Các phần việc cơ bản phải làm lại từ đầu, xây dựng lại toàn bộ cơ chế chính sách, công tác giải phóng mặt bằng.” 

Dự án kéo dài chưa được triển khai thực hiện, trong thời gian qua không có hoạt động trên tuyến đường sắt này nên nhiều hàng mục xuống cấp, các thanh tà vẹt bị nứt vỡ, ốc bị cạy phá, mất cắp, ảnh hưởng đến chất lượng tuyến; hàng tấn vật liệu trị giá hàng trăm tỉ đồng phơi mưa nắng nhiều năm qua đã hoen rỉ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: “Với 1 dự án kéo dài đã 17 năm, và tới đây tiếp tục đợi đến giai đoạn 2026-2030 là quá dài. Trong khi nguồn lực đã bỏ ra, người dân đã phải dừng lại các hoạt động xây dựng, sửa chữa, chuyển nhượng để phục vụ dự án. Theo tôi khu vực đã quy hoạch thì Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt, có cam kết với người dân về tiến độ; phải có thông tin rõ ràng để nhân dân, cử tri biết được lộ trình thực hiện dự án.” 

Tuyến đường sắt Yên Viên -Cái Lân có tổng mức đầu tư 7.665 tỉ đồng, từ vốn trái phiếu chỉnh phủ, chia làm 4 tiểu dự án. Sau hơn 10 năm đình, giãn hoãn khiến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân đình trệ, kìm hãm phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương vùng dự án, ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh. Do vậy chủ đầu tư và các bộ, ngành liên quan cần sớm có giải pháp quyết liệt để tháo gỡ, đảm bảo quyền lợi cho nhân dân.