Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô: Giải phóng mặt bằng đồng bộ giảm chi phí đền bù, ổn định cuộc sống người dân

Tại phiên thảo luận tổ sáng 6/6 về dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đồng tình về sự cần thiết đầu tư dự án, song, cũng đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh một số vấn đề chưa thoả đáng. Đồng thời, kiến nghị các giải pháp để dự án đường vành đai 4 đáp ứng được kỳ vọng của không chỉ nhân dân Hà Nội mà còn của các tỉnh trong vùng.

Đường vành đai 4 vùng Thủ đô sau khi hoàn thành, hứa hẹn sẽ tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh trong vùng, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị, giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu. Các đại biểu thành phố Hà Nội đánh giá cao phương án thiết kế sơ bộ do Chính phủ trình và cho rằng phương án này đã rút kinh nghiệm và khắc phục được những bất cập từ đường Vành đai 2 và 3 trước đó. 

Ông NGUYỄN PHI THƯỜNG - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Đây không chỉ là vành đai liên tỉnh mà còn là vành đai đô thị, là xương sống tách giao thông liên tỉnh ra khỏi giao thông nội đô, toàn bộ chuyến trung chuyển qua vành đai 4, kết nối với 6 cao tốc. Gần như là cứu cánh, lối thoát cho ùn tắc giao thông Hà Nội. Bài học liên quan đến cầu Thanh Trì, Vành đai 3 đã được tính toán, áp dụng trong thiết kế, báo cáo tiền khả thi trong vành đai 4.”

Theo tờ trình của Chính phủ, Hà Nội sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng một lần đối với mặt bằng dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai. Có ý kiến cho rằng, chưa nên giải phóng mặt bằng cho tuyến đường sắt để tiết kiệm chi phí trong giai đoạn 1, tuy nhiên, đa số các đại biểu thành phố Hà Nội lại nghĩ ngược lại. Giải phóng mặt bằng đồng bộ không chỉ giảm chi phí đền bù cho toàn bộ dự án mà về lâu dài, còn góp phần ổn định cuộc sống người dân trong vùng quy hoạch từ sớm.

Ông VŨ TIẾN LỘC - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Nếu chưa có giải toả đền bù cho tuyến đường sắt thì sẽ tiết kiệm bao nhiêu tiền nhưng chỉ là trước mắt chứ không phải là dài hạn, và không tạo cho người dân tâm thế yên tâm, 10-15 năm nữa giải toả thì người dân ở đây sẽ sống trong chờ đợi, đau khổ. Mà vành đai lớn thế này không thể không có đường sắt.”

Tính kịp thời trong giải ngân và bảo đảm tiến độ cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm. Bởi, thực tế cho thấy, dự án hoàn thành đúng tiến độ dường như là chuyện hiếm hiện nay.

Bà VŨ THỊ LƯU MAI - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Tới đây, Hà Nội sẽ đối mặt với khối lượng công việc rất lớn, phức tạp. Đối với khoản 5.113 tỷ đồng dự kiến lấy từ kế hoạch đầu tư công trung hạn lấy từ vốn chưa phân bổ, theo quy trình số vốn đó thuộc thẩm quyền của UBTVQH và phải bổ sung danh mục phải rất khẩn trương mới đảm bảo cơ cấu vốn.”

Về cơ chế cho dự án, Chính phủ đề xuất cho phép trong giai đoạn triển khai Dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản; việc khai thác mỏ khoáng sản được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế, cơ quan thẩm tra dự án lại chỉ cho phép áp dụng đến hết năm 2023 chứ không phải cho đến khi dự án hoàn thành. Người đứng đầu Thủ đô cho rằng, nếu chỉ cho phép áp dụng cơ chế này trong 2 năm thì không khác nào “đánh đố”.

Ông ĐINH TIẾN DŨNG - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Bây giờ có đồng ý chủ trương thì hết 2022 rồi, tập trung GPMB làm sao, còn vật liệu nữa, vật liệu phải theo đời công trình chứ. Cho mà làm khó thì không nên. Mình có chủ trương rồi thì quan trọng là chính sách thực hiện. Chủ trương đúng, quyết sách đúng nhưng giải pháp không phù hợp thì làm sao mà làm được. Vật liệu phải từ Hoà Bình, Vĩnh Phúc, vật liệu đắp không có, bãi thải không có mà không tạo điều kiện thì khó khăn. ”

Dự án đường Vành đai 4 sẽ được thực hiện theo hình thức PPP, đây là dự án đầu tiên mở đường cho hướng hợp tác công - tư kể từ khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ra đời. Các đại biểu kỳ vọng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, Hà Nội sẽ xây dựng được một công trình đột phá, mang nhiều ý nghĩa, cả về hạ tầng và thể chế.

Diệu Linh - Cao Hoàng