Sáng 4/3, tại Hà Nội, Giáo sư, Tiến sĩ Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cùng chủ trì tọa đàm góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.
Cùng dự có Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Lập pháp và các cơ quan của Quốc hội.
Phát biểu đề dẫn tại toạ đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh một số vấn đề mang tính nguyên tắc, nêu rõ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự thảo luật này. Theo đó, việc sửa đổi luật phải bảo đảm một số nguyên tắc chung gồm: Bám sát và thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng thành các quy định cụ thể, không nhắc lại tinh thần và lời văn của nghị quyết, đặc biệt là 8 nhóm nội dung về hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã nêu tại Nghị quyết 18 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII.
Chỉ cụ thể hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ và đã có quyết sách của Trung ương; những vấn đề chưa đủ rõ, chưa đủ độ chín, chưa có kết luận của Trung ương, tuyệt đối không đưa vào dự thảo luật. Bảo đảm nguyên tắc nhất quán trên cơ sở kế thừa các quy định mang tính chất ổn định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng, không phát sinh vấn đề vướng mắc. Cụ thể hóa tối đa những nội dung đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn, luật hóa những nội dung trong các văn bản quy định chi tiết thi hành luật đã được áp dụng hiệu quả thời gian qua.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung các quy định để khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nhưng phải bảo đảm tính tổng thể, chiến lược, lâu dài; tuyệt đối không hợp thức hóa những vướng mắc nhưng có tính chất vi phạm. Không đưa vào luật những vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhưng mang tính sự vụ, hiện tượng nhỏ lẻ, cá thể.
Rà soát các nút thắt, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất, có phương án xử lý phù hợp, tạo không gian, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, nhất là các vấn đề phức tạp như quy hoạch sử dụng đất, tài chính đất đai, giá đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, cơ sở dữ liệu đất đai, ngân hàng đất nông nghiệp… để xây dựng các quy định phù hợp với chuẩn mực quốc tế và điều kiện của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng gợi mở thêm một số nội dung để các nhà khoa học thảo luận, trong đó có nội dung quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể pháp luật về đất đai, nhà nước, doanh nghiệp và người dân, cộng đồng dân cư; các vấn đề minh định rõ giữa đại diện chủ sở hữu về đất đai với quản lý nhà nước, giữa quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của từng chủ thể và cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực đất đai, góp phần ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực…
Góp ý tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đề nghị các điều luật về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư thì cần rà soát, quy định cụ thể hơn, chỉ để một số điều cần thiết do Chính phủ quy định chi tiết.
Ý kiến khác đề nghị bổ sung nguyên tắc: Khi bồi thường phải đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất. Bởi trong thời gian qua, việc bồi thường giá trị quyền sử dụng đất, nhất là đất nông nghiệp rất thấp, do đó có nhiều người bị thu hồi không chịu trả lại đất và khiếu kiện kéo dài. Có ý kiến đề nghị phải có cơ chế và chế tài đủ mạnh trong phòng chống tham nhũng tiêu cực và kiểm soát quyền lực hiệu quả để cán bộ quản lý đất đai không thể câu kết với các tổ chức tư vấn độc lập để định giá quyền sử dụng đất có lợi cho bên nhận nhằm được hoa hồng.